Doanh nghiệp được giảm giá đến 100%
Chương trình “Khuyến mại tập trung 2021” của TP.HCM dành cho tất cả doanh nghiệp (DN), thương hiệu trong ngoài nước với nhiều hoạt động khuyến mại. Trong đó, tập trung các nhóm DN sản xuất, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử cung cấp công cụ thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch, giải trí... TP.HCM cũng khuyến khích các DN ưu tiên triển khai các hoạt động trực tuyến, đa dạng; đẩy mạnh giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
TP.HCM sẽ tổ chức chương trình khuyến mại lớn nhất năm 2021 từ ngày 15.11 - 31.12 |
ngọc dương |
Đồng thời, TP sẽ tổ chức “Hội chợ khuyến mại 2021” diễn ra từ ngày 21 - 26.12 tại Nhà thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ (Q.11) với quy mô dự kiến từ 400 - 450 gian hàng trở lên. Hội chợ sẽ tập trung các ngành hàng như ẩm thực, thời trang, hàng tiêu dùng, nông sản đặc sản... của các DN tại TP.HCM và các tỉnh thành khác cùng các hình thức khuyến mại đa dạng. Ban tổ chức nêu rõ các DN tham gia chương trình được phép thực hiện khuyến mại với hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại lên đến 100%.
Theo yêu cầu, đơn vị tham gia khuyến mại bằng cách thực hiện đồng loạt các chương trình khuyến mại như giảm giá, tặng phẩm, rút thăm..., phải cam kết đảm bảo tính hợp pháp, trung thực của chương trình khuyến mại (bao gồm: cam kết về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm được khuyến mại và sản phẩm dùng để khuyến mại)...
Chương trình khuyến mại tập trung của TP.HCM nhằm hưởng ứng “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia” do Bộ Công thương tổ chức sẽ diễn ra trong tháng 12. TP.HCM nêu rõ mục tiêu của chương trình là để đẩy mạnh phục hồi kinh tế, đưa các hoạt động thương mại trên địa bàn TP trở về trạng thái bình thường mới sau thời gian tạm ngừng để phòng chống dịch Covid-19. Đây là cơ hội để các DN tăng đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh…
Song song đó, đầu tháng 12, TP.HCM cũng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, TP và vận động các DN địa phương tham gia các chương trình khuyến mại lớn tại TP. Ban tổ chức cũng nêu rõ sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông đa dạng như trên website của sở ngành liên quan, trên báo chí, treo 1.500 phướn và băng rôn quảng bá trên các tuyến đường lớn tại TP…
Kỳ vọng sức mua gia tăng
Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết các siêu thị trực thuộc như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile tham gia hưởng ứng tháng khuyến mại tập trung của TP bằng 2 đợt nối tiếp nhau.
Đợt 1, giảm giá đến 50% cho 11.000 sản phẩm, tập trung nhóm thực phẩm và hóa phẩm và các loại nước giải khát, các ngày cuối tuần giảm đến gần 80% (kèm điều kiện hóa đơn), tặng điểm thưởng mức cao, hoàn tiền, tặng phiếu mua hàng, càng mua nhiều càng giảm giá... thực hiện từ ngày 15 - 24.11.
Đợt 2, thực hiện từ sau ngày 24.11 đến hết tháng 12, giảm giá trực tiếp đến 53% cho hơn 5.000 sản phẩm tập trung cho nhóm đồ dùng gia đình, dụng cụ nhà bếp và một số mặt hàng thực phẩm, sản phẩm nhu yếu. Thông thường những năm trước, khi các siêu thị khuyến mại thì sức mua cũng nhiều hơn đáng kể và đơn vị này cũng kỳ vọng mùa mua sắm cuối năm nay sẽ gia tăng.
Ở Đài Loan tổ chức nhiều khuôn viên theo thời gian, địa điểm cụ thể để các DN mang hàng ra bán như hội chợ nhưng không thu phí; chia ngành hàng bán theo ngày và vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách, đeo khẩu trang. Các chương trình này đều thực hiện liên tục kể cả trong giai đoạn dịch bệnh xuất hiện. Chúng ta có thể tham khảo thêm để đẩy mạnh tiêu dùng.
Ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), cho biết rất hoan nghênh chương trình khuyến mại của TP nói riêng và cả nước nói chung. Sau khi mở cửa trở lại từ đầu tháng 10, bản thân nhiều DN cũng thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút người tiêu dùng. Dù vậy, sức tiêu dùng đối với các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép vẫn đang rất thấp. Nhiều người dân vẫn còn thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên cho hàng tiêu dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ cũng không mua dự trữ hàng nhiều như trước. Ngược lại, nhiều nguyên phụ liệu đã tăng giá từ 20 - 30% và thậm chí có loại tăng đến 50% và nhiều chi phí tăng cao khiến DN gặp khó khăn. Nhưng vì tiêu thụ hàng lại chậm nên hiếm DN nào tăng được giá bán.
Có thể nói, DN cố gắng giữ giá bán cũng là một cách để khuyến khích người mua hàng trong lúc khó khăn hiện nay. Vì vậy ông vẫn đang xem xét cụ thể để có chương trình tham gia tháng khuyến mại tập trung phù hợp. Ông Đỗ Long nhấn mạnh: Từ trước đến nay, năm nào vào dịp cuối năm Bita’s cũng thực hiện khuyến mại giảm giá tối đa 50%. Năm nay có chương trình khuyến mại tập trung thì có thể cũng thực hiện như vậy. Việc tham gia theo ông chủ yếu để người tiêu dùng vẫn biết rằng thương hiệu vẫn còn hoạt động, gắn bó với khách hàng. Ông Đỗ Long cũng cho rằng sẽ khó để DN đưa ra mức giảm giá cao hơn, hoặc lên đến 100% thì có khi khiến người tiêu dùng lo ngại và không yên tâm về chất lượng hàng hóa. Hơn nữa, nếu chỉ giảm giá ở mức lớn như một số thương hiệu ở nước ngoài thực hiện thì chủ yếu để “dọn kho” với một số mẫu mã cũ, qua mùa…
“Nhiều nước trên thế giới khi khuyến mại 100% hoặc thậm chí tặng không một số sản phẩm cho khách hàng thì chỉ áp dụng trong 1 - 2 ngày. Ví dụ mỗi người ngày đó đến cửa hàng được tự do lựa 1 món duy nhất do cửa hàng muốn xả kho để lấy chỗ trưng bày hàng mới. Đồng thời một số nước có chính sách khuyến khích, không thu thuế, phí có liên quan với các chương trình bán lỗ như vậy, nhưng ở VN tôi nghiên cứu chưa thấy rõ nên khó để DN giảm mạnh. TP hay Chính phủ nên nghiên cứu xem xét để có các chính sách khuyến khích các chương trình kích cầu dài hơi hơn mà không chỉ thực hiện trong vòng 1 tháng”, ông Long đề xuất.
Đẩy mạnh truyền thông
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, e ngại việc giảm giá hàng hóa để kích cầu hiện nay cũng sẽ khó thúc đẩy sức mua tăng cao như trước đây, do nhiều người dân vẫn chưa thể gia tăng thu nhập. Hơn nữa, các loại sản phẩm hàng hóa gia dụng, tiêu dùng của ngành nhựa, cao su thường có giá bán sát với giá thành. Chẳng hạn thau rổ nhựa hay lốp xe đều có giá bán lẻ khá cạnh tranh. Nếu có giảm giá tối đa cũng chỉ được 3 - 4% thì mức này không đủ lớn để kích thích sức mua của khách hàng.
Vì vậy, ông Quốc Anh cho rằng để kích cầu tiêu dùng nói chung thì cần thực hiện nhiều chính sách đồng loạt dài hạn hơn của Chính phủ và TP.HCM, chẳng hạn như giảm thuế, phí liên quan để DN có thể giảm được giá thành sản xuất, từ đó giảm giá bán…
Theo ông Lê Viết Thanh, Giám đốc chuỗi thời trang K&K Fashion, hiện nay các chương trình khuyến mại lớn trong năm do các sàn thương mại điện tử thực hiện đã lôi kéo được rất nhiều thương hiệu trong và ngoài nước tham gia. Chẳng hạn trong ngày 11.11, các sàn thương mại lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… đều đồng loạt khuyến mại sâu. Các sàn đã có tệp khách hàng lớn, làm truyền thông rầm rộ nên thu hút người tiêu dùng tham gia mua sắm khá nhiều. Bản thân K&K Fashion ngoài hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình, tự bán online thì nay cũng đặt gian hàng trên các chợ online lớn và tham gia vào các dịp “big sale” do các sàn tổ chức.
“Các chương trình giảm giá mạnh nhân các ngày như 9.9, 11.11, 12.12… của các sàn thương mại điện tử ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Chủ yếu họ tổ chức truyền thông rầm rộ, thông qua các kênh khác như báo chí, mạng xã hội, các cá nhân có sức ảnh hưởng trong giới trẻ nên độ lan tỏa rất lớn. Vì vậy, để các chương trình khuyến mại do nhà nước tổ chức có hiệu quả, cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa. Khách hàng biết thì mới quan tâm và từ đó mới có thể mua hàng, nhất là khi có những sản phẩm giá mạnh hơn ngày bình thường”, ông Lê Viết Thanh chia sẻ.
Bình luận (0)