TP.HCM: Viện KSND cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm 'vụ Phố Mỹ Phẩm'

20/12/2021 11:41 GMT+7

Theo kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, HĐXX trong vụ án 'buôn lậu' xảy ra tại Công ty Phố Mỹ Phẩm đã có vi phạm trong áp dụng sai tình tiết giảm nhẹ và định giá tài sản.

Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VCC3) vừa kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án hình sự sơ thẩm phạt tiền đối với bị cáo Đỗ Ngọc Minh Phúc (38 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Phố Mỹ Phẩm) trong vụ án “buôn lậu” để điều tra lại theo thủ tục chung, do có sai phạm nghiêm trọng trong áp dụng hình phạt và định giá tài sản buôn lậu.

Định giá tài sản bổ sung, thay đổi khung hình phạt

Theo bản án sơ thẩm, tháng 6.2016, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện thủ tục hải quan lô hàng mỹ phẩm nhập khẩu theo tờ khai của Công ty TNHH Phố Mỹ Phẩm. Khi kiểm tra, Hải quan phát hiện có 29 danh mục mặt hàng mỹ phẩm không khai báo hải quan và chưa được cấp phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Vụ việc được chuyển sang Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.

Tháng 7.2017, kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP.HCM kết luận trị giá số hàng hóa mỹ phẩm theo 29 danh mục tại thời điểm tháng 6.2016 là gần 1,8 tỉ đồng. Từ định giá này, cơ quan tiến hành tố tụng truy tố Phúc theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm. Đến tháng 6.2020, TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu định giá tài sản lại. Đến tháng 10.2020, kết luận định giá bổ sung của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự TP.HCM kết luận giá trị lô hàng theo giá bán sỉ trên thị trường tại thời điểm tháng 6.2016 là hơn 957 triệu đồng. Vật phạm pháp dưới 1 tỉ đồng thì thuộc khoản 3, phạt tiền từ 1,5 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm.

Từ kết luận giám định bổ sung, tháng 12.2020, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt tiền bị cáo Đỗ Ngọc Minh Phúc 450 triệu đồng về tội “buôn lậu”. Để xử dưới khung hình phạt (khoản 2, phạt tiền từ 300 triệu đồng - 1,5 tỉ đồng…), HĐXX TAND TP.HCM đã áp dụng 2 tình tiết giảm nhẹ cho Phúc: điểm s khoản 1 Điều 51, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; khoản 2 Điều 51, rằng bị cáo là lao động chính trong gia đình, đang nuôi cha mẹ già... Từ đó áp dụng Điều 54 BLHS 2015, quyết định hình phạt dưới khung cho Phúc.

Tình tiết giảm nhẹ không phù hợp với tài liệu

Tuy nhiên qua kiểm sát bản án sơ thẩm (án không có kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật sau đó), VCC3 cho rằng TAND TP.HCM tuyên Phúc hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là không đúng quy định pháp luật. Bởi lẽ, bị cáo Phúc chỉ có một tình tiết giảm nhẹ, là điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Do đó, không đủ điều kiện để áp dụng Điều 54 BLHS.

Về tình tiết giảm nhẹ thứ 2, theo VCC3, bản án sơ thẩm nhận định về nhân thân của Phúc không phù hợp với tài liệu chứng cứ thu thập được thể hiện trong hồ sơ vụ án, rồi làm căn cứ quyết định hình phạt là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật. Cụ thể, trang 9 - 10 của bản án thể hiện bị cáo là lao động chính đang nuôi cha mẹ già, cha bị tai biến, vợ bị cáo mới sinh con không có công việc ổn định và con nhỏ đang đi học cần bị cáo chăm sóc hỗ trợ… Song, theo bút lục hồ sơ và trang 1 bản án nêu bị cáo có vợ và 2 con (lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi). Bị cáo có 4 anh em ruột, bị cáo là anh lớn nhất trong gia đình và không sống chung với cha mẹ; 3 người em còn lại sinh sống cùng với cha mẹ tại P.5, Q.8, TP.HCM và đều có nghề nghiệp là kinh doanh, cha bị cáo có nghề nghiệp kinh doanh, mẹ làm công việc nội trợ.

Định giá bổ sung không đúng quy định

Bên cạnh đó, VCC3 nhận định vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục định giá tài sản khi định giá bổ sung đối với giá trị lô hàng. Bởi theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự - BLTTHS không có quy định về định giá tài sản bổ sung. Điều 218 BLTTHS quy định về định giá lại tài sản: “Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần đầu, cơ quan tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực tiếp thực hiện”.

Hơn nữa, về xác định giá trị tài sản, theo VCC3, bị cáo cho rằng mình nhập lậu hàng hóa để về bán sỉ, không bán lẻ nhưng trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ chứng minh bị cáo lấy hàng về phân phối cho ai, giá cả bao nhiêu nên việc xác định giá trị tài sản làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo phải xác định hàng hóa đó theo giá thị trường.

Trong khi đó, căn cứ chứng thư thẩm định giá ngày 6.7.2017, tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trên thị trường Việt Nam đã có 3 doanh nghiệp đang kinh doanh, buôn bán các loại sản phẩm phù hợp với danh mục 29 mặt hàng mà bị cáo buôn lậu. Vì vậy, việc xác định giá trị tài sản buôn lậu phải căn cứ vào giá trị thực tế hàng hóa đó lưu thông trên thị trường tại thời điểm bị cáo phạm tội.

Từ những phân tích trên, VCC3 cho rằng, HĐXX TAND TP.HCM áp dụng hình phạt tiền dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là không đúng, nên kháng nghị hủy án để điều tra, xét xử lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.