Báo cáo với Phó thủ tướng, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính từ đầu năm 2022 đến ngày 29.6, TP.HCM đã có 20.952 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 172,5% so với cùng kỳ năm 2021 (7.688 ca); tăng 71,7% so với số ca mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020 (12.197 ca).
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
NHẬT THỊNH |
Số ca mắc, tử vong tại TP.HCM cao nhất phía nam
Hiện TP.HCM đang điều trị 580 ca, trong đó có 278 ca do các tỉnh chuyển về (chiếm 48%). Trong số này có 237 người lớn và 343 trẻ em; có 92 ca nặng (17 ca thở máy). TP.HCM cũng đã có 10 ca tử vong do SXH và 1.111 ổ dịch tính từ đầu năm đến nay.
Các quận, huyện có ca mắc cao là: Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, Q.12, H.Hóc Môn, TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, Q.Tân Phú. “Các quận, huyện này sẽ có nguy cơ bùng phát dữ dội dịch SXH nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp chống dịch ngay từ bây giờ”, TS-BS Vĩnh Châu nhận định.
Trong khi đó, tại khu vực phía nam, tính từ đầu năm đến nay đã có 77.000 ca mắc SXH (tăng 11% so với 2019) và 42 ca tử vong, tăng 6 lần so với cùng kỳ 2021 (7 ca); 24/42 ca là trẻ từ 15 tuổi trở xuống.
“Phân bố ca mắc SXH theo tỉnh thành cho thấy TP.HCM có số ca mắc, tử vong cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía nam. Kết quả phân lập týp huyết thanh gây bệnh cho thấy týp D1, D2 đang chiếm ưu thế, nhưng D2 đang gia tăng. D2 gia tăng thì dự báo số ca mắc và nặng, tử vong cũng gia tăng”, TS-BS Vĩnh Châu nói. Theo ông, công tác dự phòng diệt muỗi, diệt lăng quăng chưa thực sự trở thành nhận thức và hành động của người dân, ngay cả tại chính quyền địa phương, các sở, ban ngành. Hình thức xử phạt về các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch SXH chưa thực sự phát huy hiệu quả (không xử phạt hoặc khó xử phạt); công tác truyền thông cũng chưa phát huy hiệu quả.
Để hạn chế số ca mắc, tử vong, TS-BS Châu nói TP cần tập trung nguồn lực để chăm sóc, điều trị SXH cho nhóm nguy cơ diễn tiến nặng, gồm: phụ nữ mang thai, trẻ em bị béo phì; tập huấn cho tuyến y tế cơ sở những dấu hiệu cảnh báo SXH nặng. Trong đó, tăng cường năng lực điều trị tại chỗ, hội chẩn từ xa, áp dụng quy trình báo động đỏ liên viện, hạn chế chuyển viện không an toàn. Sở Y tế còn phân tuyến điều trị, nâng cao năng lực hồi sức cơ bản cho BV quận, huyện và chuyên sâu cho các BV tuyến cuối. Ngoài ra, nhóm các cơ sở y tế cần được quan tâm trong công tác phát hiện, xử trí là: các phòng khám chuyên khoa, đa khoa tư nhân…
Chấn chỉnh tình trạng chuyển bệnh nhân lên TP.HCM
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh SXH là bệnh có vật chủ trung gian muỗi truyền bệnh. Muốn cắt đứt dịch thì phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng.
Về điều trị, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tuyến điều trị SXH rõ ràng. Theo đó, SXH độ 1, 2 thì tuyến huyện điều trị được. Các tỉnh khác thì bệnh viện (BV) tỉnh có khoa nhiệt đới, do đó các khoa này phải chịu trách nhiệm thu dung bệnh nhân (BN) từ độ 3 trở lên. Ngày 1.7 Bộ Y tế sẽ có văn bản chấn chỉnh việc này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, phòng chống SXH cũng giống như Covid-19, đó là phát huy 4 tại chỗ; nếu đưa lên TP có nguy cơ lây chéo. Nhưng thực tế là một nửa BN SXH điều trị ở TP.HCM từ các tỉnh chuyển lên. Do đó cần áp dụng công nghệ - thông tin hội chẩn từ xa, nếu không TP.HCM sẽ quá tải.
Mặt khác SXH có nguy cơ gây tụt huyết áp, nên các BV chuẩn bị đủ dịch truyền, nhiều máu để cấp cứu khi BN trở nặng. Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn TP để làm tốt công tác phối hợp điều trị, kể cả cơ sở y tế T.Ư.
Tại cuộc làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặt vấn đề: Lý do BV các tỉnh chuyển nhiều BN SXH lên TP.HCM? Phải chăng do thiếu thuốc và vật tư? Nếu thiếu thuốc và vật tư y tế thì phải nhìn đúng sự thật và có giải pháp cấp bách, vì BN không thể đợi; còn sửa thông tư là giải pháp dài hơi. Bên cạnh đó, cần tăng cường, vận động nhân dân diệt lăng quăng, muỗi phòng chống SXH và thực hiện phòng chống Covid-19. Chính quyền phải giải thích một cách khoa học những vướng mắc của người dân.
Đề xuất kéo dài hợp đồng đấu thầu rộng rãi từ 6 - 12 tháng
Chiều 30.6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến BV Chợ Rẫy làm việc về công tác cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế. Báo cáo với Phó thủ tướng, đại diện BV Chợ Rẫy đã nêu những khó khăn trong công tác mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, đề xuất với Phó thủ tướng 2 việc. Thứ nhất, cho BV kéo dài hợp đồng đấu thầu rộng rãi thêm 6 tháng hoặc 1 năm với thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, một số thiết bị, … để giải quyết kịp thời nhu cầu cho BN. Thứ hai, trong luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu trong tình huống cấp bách. Cần làm rõ định nghĩa như thế nào là “tình huống cấp bách”. Nên chăng giao cho cấp ủy cùng cấp để xác định tình trạng khẩn cấp và được phép chỉ định thầu?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng cảm với BV trong tình hình hiện nay. Ông yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các BV thuộc Bộ kiến nghị, sau đó Bộ Y tế trình nghị quyết trong tình trạng khẩn cấp thiếu thuốc, vật tư, trong đó đưa ra thực trạng, giải pháp, thời gian thực hiện, trình Chính phủ thì sẽ được đồng ý. Bộ Y tế cần mạnh dạn trong phạm vi trách nhiệm. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị nội dung trình bày trước 63 tỉnh, thành trong cuộc họp Chính phủ sắp tới. Theo đó, nói rõ về việc thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị; thực trạng cán bộ y tế bỏ việc; tâm tư nguyện vọng và thu nhập của cán bộ y tế. Ngoài ra, còn có nội dung phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc xin… Đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bình luận (0)