TP.Thủ Đức: Lượng công việc lớn sau khi sáp nhập phường, nhiều cán bộ xin nghỉ việc

10/12/2021 16:23 GMT+7

Chủ tịch UBND P.An Khánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, sau khi sáp nhập P.Bình Khánh và P.Bình An, khối lượng công việc rất lớn, lương thấp, nên có nhiều cán bộ xin nghỉ việc, chuyển công tác.

Sáng 10.12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi giám sát đối với UBND TP.Thủ Đức, UBND P.An Khánh và UBND P.Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

TP.Thủ Đức được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập 3 quận (gồm Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức). Đồng thời, sau khi thực hiện sắp xếp 4 đơn vị gồm: P.Thủ Thiêm và P.An Khánh (cả 2 phường bị giải tỏa trắng để xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm), sáp nhập thành P.Thủ Thiêm; P.Bình Khánh và P.Bình An sáp nhập thành P.An Khánh thì TP.Thủ Đức có 34 phường.

Khối lượng công việc lớn trong khi số lượng cán bộ giảm

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, hiện nay, địa phương vẫn hoạt động, vận hành như một đơn vị hành chính cấp quận, huyện, chỉ khác ở chỗ còn duy trì HĐND.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức trình bày kiến nghị tại buổi giám sát

phạm thu ngân

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính, theo UBND TP.Thủ Đức đánh giá, bên cạnh tác động thiết thực nhất là nhằm tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, tăng cường thu hút đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thì cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cụ thể, cuộc sống của người dân bị xáo trộn trong giai đoạn đầu do thay đổi về địa điểm giao dịch, thủ tục hành chính, các loại giấy tờ cá nhân có liên quan trong khi lượng nhân sự giảm, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ nên ảnh hưởng tiến độ và chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục. Đơn vị hành chính mới có quy mô rộng hơn khiến công tác nắm bắt địa bàn gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội phức tạp hơn.

Điều đáng lưu ý, tại thời điểm sáp nhập 3 quận vào tháng 1.2021, có 631 cán bộ, công chức, người lao động có mặt, làm việc tại cơ quan chuyên môn. Đến cuối tháng 11 chỉ còn 604 người và theo quy định, số lượng cần tiếp tục sắp xếp theo thực tế có mặt là 132 người. Chính điều này ảnh hưởng tâm lý, tư tưởng, quyền lợi cũng như hiệu quả công tác của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dôi dư trong thời gian đầu.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND P.Thủ Thiêm, cho hay P.Thủ Thiêm thực hiện giải tỏa toàn bộ để thực hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân hiện về ở và sinh sống chưa nhiều. Hiện, P.Thủ Thiêm là phường loại 3, các tổ chức đoàn thể trong khu dân cư, khu phố, ban điều hành khu phố chưa có. Ông Nguyễn Văn Kiên kiến nghị TP.HCM xem xét, bố trí quỹ đất và kinh phí để xây trụ sở hành chính phường.

Chủ tịch UBND P.An Khánh Hồ Hải Phong cũng cho biết, khi sáp nhập 2 phường, bước đầu người dân cũng băn khoăn nhưng sau tuyên truyền thì cơ bản đi vào nề nếp. Địa phương cũng nỗ lực làm việc để xử lý hồ sơ hành chính của người dân.

"Đến nay chưa có phản ảnh, phàn nàn của người dân về vấn đề này", ông Phong nói và chia sẻ thêm địa phương thực hiện sắp xếp, bố trí từ 59 cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách còn 35 người. "Khối lượng công việc lớn, giải quyết hồ sơ nhiều, số lượng con người lúc chưa sáp nhập cao hơn lúc sáp nhập, tiền lương thấp, cán bộ không an tâm công tác nên xin nghỉ việc, chuyển công tác rất nhiều".

Ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND P.An Khánh kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập

phạm thu ngân

Ông Phong kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sáp nhập.

Với số lượng biên chế hành chính của UBND TP.Thủ Đức là 459 người vào cuối năm 2022, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức bày tỏ trăn trở. Ông Tùng "đề xuất hết sức cấp bách" giữ nguyên biên chế như cũ vì thực tiễn vận hành, hiện nay chỉ hơn 500 người nhưng khối lượng công việc giải quyết rất lớn, nếu giảm nữa sẽ không thể đáp ứng được nguồn nhân lực làm việc, tham mưu.

TP.Thủ Đức cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho địa phương

Các đại biểu của đoàn giám sát cũng đặt ra nhiều câu hỏi cho UBND TP.Thủ Đức, cùng thảo luận liên quan vấn đề định hướng, lộ trình phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp biên chế dôi dư, cải cách hành chính, chủ động đầu tư công.

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho hay, quy mô kinh tế của TP.Thủ Đức hiện nay tương đương hơn 3 triệu dân (trong khi TP.Thủ Đức hiện chỉ có khoảng 1,2 triệu dân), trách nhiệm của địa phương rất lớn. Chính vì vậy, bộ máy cũng phải tương thích, phải làm sao để tạo điều kiện phát huy cao hơn năng suất, hiệu quả hoạt động chứ không phải đòi hỏi biên chế nhiều hơn, thu nhập cao hơn.

Buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát UBND TP.Thủ Đức, UBND P.An Khánh và UBND P.Thủ Thiêm về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021

phạm thu ngân

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.Thủ Đức muốn đột phá thì cần tính đến các nhóm giải pháp gồm tự chủ cao; phát huy các nguồn lực có sẵn trên địa bàn (TP.Thủ Đức có các khu chế xuất, khu công nghệ, các trường đại học hàng đầu, cảng biển...); nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ nhân lực bình quân cao nhất gắn với tính năng động, sáng tạo; đột phát về hạ tầng 4.0 và hạ tầng đô thị, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp...

Kết luận tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, qua trao đổi, đánh giá việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại địa phương đảm bảo tiến độ, đúng quy định.

Bà Tuyết đề nghị TP.Thủ Đức rà soát lại, có đề án vị trí việc làm hơn là đề nghị biên chế sắp tới để phù hợp với tình hình phát triển hiện nay; nghiên cứu những giải pháp để đội ngũ cán bộ an tâm công tác; chủ động nghiên cứu đề xuất các nội dung về cơ chế phù hợp cho địa phương...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.