TP.Thủ Đức tiếp tục chờ cơ chế

23/11/2021 06:47 GMT+7

Là mô hình 'thành phố trong thành phố' đầu tiên trên cả nước nhưng đến nay TP.Thủ Đức (TP.HCM) vẫn còn đang loay hoay với những đề xuất xin tăng thêm thẩm quyền.

Từ 1.1.2021, TP.Thủ Đức chính thức thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức với tổng diện tích 211 km2 và hơn 1 triệu người (tương đương dân số của Đà Nẵng). Lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng TP.Thủ Đức sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, tạo sự đột phá cho sự phát triển trong 20 năm tới dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.

Đến nay đã gần 1 năm trôi qua, những hiệu quả về kinh tế, xã hội chứng minh cho việc sáp nhập 3 quận để lập thành phố vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm của TP.Thủ Đức là 6.283 tỉ đồng, đạt hơn 75% dự toán.

Thành phố Thủ Đức: Diện tích, dân số và những điều cần biết

“TP.Thủ Đức được đánh giá là có tiềm năng lớn nhưng đến nay chưa có gì khởi sắc, vẫn cần thời gian chứng minh. Hiện chưa có gì để nói rằng lập thành phố thì tốt hơn so với 3 quận đứng rời, bởi thành phố này vẫn đang thừa hưởng hạ tầng có sẵn của 3 quận cũ”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Một số chuyên gia kinh tế và quy hoạch đô thị chỉ ra thực tế nếu chỉ là sự sáp nhập cơ học mà không có cơ chế chính sách đột phá thì TP.Thủ Đức sẽ không thể nào phát triển như kỳ vọng. Bởi trên thực tế, dù mang tiếng là “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước nhưng bộ máy hành chính, thẩm quyền của TP.Thủ Đức hiện cũng chỉ tương đương cấp huyện.

Trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn vào đầu tháng 11.2021, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận thẩm quyền của TP.Thủ Đức vẫn chưa có gì nổi bật hơn một đơn vị hành chính cấp huyện. Hiện TP.Thủ Đức đang đối diện với nhiều thách thức: hạ tầng kỹ thuật, xã hội tuy được đầu tư nhưng chưa kết nối đồng bộ; kết nối nghiên cứu khoa học công nghệ với doanh nghiệp còn hạn chế, môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh gắn với quy hoạch đang có vấn đề… “Chúng tôi đang nỗ lực tham mưu TP.HCM để có nghị quyết chuyên đề về phát triển TP.Thủ Đức đến năm 2030, khi đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan cơ chế chính sách để phát triển”, ông Hiếu nói.

Trên địa bàn TP.Thủ Đức có khoảng 200 dự án nhưng do vướng nhiều yếu tố pháp lý nên chưa thể triển khai. Còn khu đô thị mới Thủ Thiêm khi được giải quyết thấu đáo, nguồn quỹ đất đấu giá thu cả trăm nghìn tỉ đồng. Ông Hiếu kỳ vọng khi được phân cấp, ủy quyền thì có thể giải quyết nhanh các thủ tục của người dân, doanh nghiệp.

Rút bài học từ TP.Thủ Đức, TS Phan Sỹ Châu (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) cho rằng biến các khu vực nông thôn thành thành thị phải xuất phát từ nội lực của huyện và nhu cầu phát triển của TP.HCM đến đâu thì mở rộng đến đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.