TP.HCM: 6 tháng phát hiện 2.758 người nhiễm HIV

27/09/2022 10:43 GMT+7

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV, trong đó có 996 người nhiễm có hộ khẩu TP, 1.762 người không có hộ khẩu TP; 92% là nam giới

Ngày 27.9, TP.HCM khởi động triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (TelePrEP). Chương trình do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức, có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế.

92% là nam giới

Phát biểu tại sự kiện, bác sĩ CK.2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về kết quả thực hiện mục tiêu 95 – 95 – 95 tính đến ngày 30.6.2022.

Đối với mục tiêu thứ nhất (95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình), TP đã đạt được 94%. Đối với mục tiêu thứ hai (95% tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút HIV), TP đã đạt được 91%. Đối với mục tiêu thứ ba (95% tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế, TP đã đạt được 99%.

Tập huấn triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (TelePrEP)

hcdc

Theo hệ thống báo cáo ca bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV, trong đó có 996 người nhiễm có hộ khẩu TP, 1.762 người không có hộ khẩu TP. Trong đó tỷ lệ nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm; 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); 26% ca nhiễm có độ tuổi từ 22 tuổi trở xuống (trong độ tuổi sinh viên – học sinh), 62% ca nhiễm nằm trong độ tuổi từ 23-40 tuổi.

Trước tình hình dịch HIV có xu hướng tập trung trên nhóm MSM, ngành y tế TP thực hiện truyền thông thay đổi hành vi; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS. Tư vấn xét nghiệm HIV. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cung ứng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn. Điều trị ARV trong ngày; điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị hành vi về lệ thuộc các chất kích thích dạng Amphetamine. Khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Điều trị dự phòng HIV từ xa

Nhưng theo bác sĩ Hưng, TP cần triển khai các giải pháp mới để phù hợp với tình hình mới, hướng đến việc hỗ trợ khách hàng nhóm nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ thuận lợi, trong đó phải kể đến là việc thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa.

Tại TP.HCM, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được triển khai thí điểm đầu tiên vào tháng 3.2017 với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Tổ chức USAID/PATH. Kết quả thí điểm đã cho thấy tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên các nhóm MSM, chuyển giới và bạn tình bị nhiễm.

Tháng 4.2019, TP đã triển khai hoạt động điều trị PrEP tại 15 cơ sở y tế công và tư. Và đến cuối tháng 6.2022, TP đã mở rộng điều trị PrEP tại 33 cơ sở y tế công và tư.

Tính từ khi triển khai, chương trình đã điều trị lũy tích cho 23.587 khách hàng nguy cơ có kết quả xét nghiệm âm tính HIV vào điều trị PrEP, trong đó khách hàng là nhóm MSM chiếm 83%.

Hướng đến mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TP.HCM tăng cường triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, bao gồm PrEP, phải được triển khai mạnh mẽ hơn, tăng số người được tiếp cận và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ được cung cấp.

Tuy nhiên, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, nhiều bệnh nhân HIV nói chung và khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP nói riêng đã không tiếp cận được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ. Đồng thời, vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử, không những với người nhiễm HIV, mà còn trên nhóm người sử dụng PrEP, nhóm đối tượng MSM và nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương. Điều này dẫn đến tình trạng nhóm này ngại đến trực tiếp các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV.

Do đó, việc điều trị PrEP từ xa là một trong những hoạt động giúp cho những người có nhu cầu thuận tiện tiếp cận dịch vụ mà vì nhiều lí do khác nhau họ chưa thể tiếp cận với phòng khám. Đồng thời, thành phố cũng nhận thấy mô hình này hoàn toàn phù hợp với các định hướng về Khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế cũng như chương trình chuyển đổi số của Quốc gia.

Với sự chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), từ 1.8.2022, TP.HCM đã lựa chọn 11/33 cơ sở đang cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để triển khai thí điểm điều trị PrEP từ xa với 60 khách hàng đăng ký hoặc chuyển đổi sang hình thức TelePrEP. Chương trình sẽ kéo dài đến 30.4.2023.

Theo đó, khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám. Bác sĩ và khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc khám, tư vấn và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Việc cấp phát thuốc cho khách hàng sẽ thông qua một đơn vị vận chuyển, khách hàng sẽ không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc.

Lãnh đạo Sở Y tế tin tưởng, với mô hình này, các phòng khám có thể mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, đa dạng hóa các mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện. Dự phòng HIV kịp thời cho các nhóm đích như: Nam quan hệ tình dục với nam (MSM); vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV… góp phần giúp TP.HCM đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.