TP.HCM ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa

27/03/2020 10:00 GMT+7

Ngày 26.3, UBND TP.HCM công bố quyết định ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo đó, quy định lựa chọn sách giáo khoa của TP bao gồm 2 tiêu chí với 9 nội dung cụ thể.

Tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của TP.HCM

UBND quy định phù hợp với giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, giúp các em thấm nhuần, tự hào với văn hóa truyền thống, năng động, sáng tạo, nghĩa tình… Kiến thức hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày, môi trường xung quanh.
Đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam trên mọi miền đất nước, trong đó chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của địa phương. Đáp ứng được định hướng phát triển GD-ĐT của TP, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.
Khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực chủ động học tập, hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Tiêu chí phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông

Theo đó, UBND TP quy định phải phù hợp với các yếu tố phục vụ cho giáo dục như cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý, giáo viên… phục vụ mục tiêu giáo dục, nhất là trong tổ chức dạy học ngoại ngữ; giáo dục kỹ năng giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu, sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của TP. Phù hợp với điều kiện thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt và phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông cũng như ngoại ngữ trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Đảm bảo tính phân hóa, đa dạng loại hình hoạt động, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ quản lý và giáo viên tâm huyết, năng động sáng tạo, phát huy năng lực, sở trường, tổ chức dạy học theo định hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng thực hành xã hội.
Sách giáo khoa phải đáp ứng tích cực, có tính mở trong đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, học tập, kiểm tra đánh giá hướng đến giáo dục thông minh, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế, xây dựng xã hội học tập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.