TP.HCM bất ngờ nắng nóng gay gắt

02/10/2024 05:58 GMT+7

Nhiều người dân TP.HCM cảm thấy choáng váng vì mấy ngày gần đây trời bất ngờ nắng nóng gay gắt dù đang giữa mùa mưa bão.

Nhiệt độ cảm nhận lên tới 40 độ C

"Nóng kinh hoàng. Nắng choáng váng". Đó là lời than thở cửa miệng của nhiều người dân TP.HCM trong những ngày gần đây. Anh Trần Ngọc Tuấn (ngụ Q.11) kể cuối tuần trước cảm thấy vui mừng vì trời nắng ráo, nên đưa gia đình đi dạo quanh khu vực trung tâm thành phố. Nhưng bất ngờ khi mới hơn 9 giờ sáng đã thấy nắng nóng gay gắt đến rát da giống như hồi cao điểm tháng 4. Do đang giữa mùa mưa bão nên cũng chỉ nghĩ đó là cảm nhận nhất thời. Tuy nhiên, bất ngờ là nắng nóng liên tục kéo dài đến những ngày đầu tuần này và thậm chí có chiều hướng gia tăng.

TP.HCM bất ngờ nắng nóng gay gắt- Ảnh 1.

TP.HCM những ngày qua nắng nóng như cao điểm tháng 4

ẢNH: NHẬT THỊNH

Có cảm nhận tương tự, chị Lý Minh An (ngụ Q.3) nhận xét: Tôi cũng bất ngờ khi đầu tuần trước trời còn nhiều mây, mưa giông thường xuyên do ảnh hưởng của những cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông thì bỗng dưng trời trở nắng nóng gay gắt. Trong ngày thứ hai vừa rồi, tôi di chuyển trên đường lúc giữa trưa mà không dám tin rằng đang là giữa mùa mưa bão vì… nắng nóng kinh hoàng. "Giữa mùa mưa mà còn nắng nóng như thế này thì khi mùa mưa kết thúc không biết nắng nóng sẽ đến mức độ kinh hoàng ra sao", chị Minh An lo lắng.

Trong khi đó, anh Lý Minh Tiến (ngụ Q.Phú Nhuận) thắc mắc có siêu bão trên Biển Đông và phía bắc có không khí lạnh về nhưng vì sao Nam bộ vẫn cứ nắng nóng lạ thường đến thế. "Theo cảm nhận của tôi là thời gian gần đây nắng nóng gay gắt hơn rất nhiều, không chỉ giữa trưa mà cả buổi sáng sớm và chiều thì tia nắng cũng như có kim châm vào da", anh Tiến cho biết.

Biển Đông có khả năng đón 2 cơn bão trong tháng 10

Những cảm nhận đó là hoàn toàn dễ hiểu nếu nhìn vào số liệu khí tượng của TP.HCM trong những ngày qua. Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ), cho biết: Trong ngày 30.9, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được ở Nam bộ là 36,5 độ C tại trạm Tân Sơn Hòa (TP.HCM). Trong những ngày cuối tháng 9, mưa giảm nên nhiệt độ tăng dần một vài nơi xuất hiện nắng nóng với mức nhiệt cao nhất trên 35 độ C. Nếu tính nhiệt độ trung bình trong tháng 9 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,4 - 1 độ C.

Tại TP.HCM, nơi có mức độ đô thị hóa cao nên nhiệt độ cảm nhận phổ biến thường cao hơn nhiệt độ khí tượng khoảng 4 độ C. Như vậy, nhiệt độ mà người dân cảm nhận lên tới 39 - 40 độ C.

Trong tháng 9, thời tiết khu vực phổ biến nhiều mây, có mưa trên diện rộng và mưa vừa đến mưa to xuất hiện thường xuyên từ đầu tháng đến ngày 22. Dù vậy theo ghi nhận của Đài Nam bộ, trong tháng 9 có đến 24 lần ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, phổ biến ở nhiều địa phương trong khu vực. Tại TP.HCM có 2 lần, một ở trạm Tân Sơn Nhì và một ở Nhà Bè. Tuy nhiên, mức vượt cao nhất là 1,2 độ C ghi nhận được ở Cà Mau. Bên cạnh đó, tại Bạc Liêu và Tây Ninh cũng ghi nhận mức vượt nhiệt độ lịch sử gần 1 độ C.

Không riêng gì Nam bộ, theo ghi nhận từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), trong tháng 9, dù lượng mưa phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 20 - 80%, nhưng nhiệt độ trung bình cả nước vẫn cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 - 1 độ C. Có gần 40 lần nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt giá trị lịch sử.

TP.HCM bất ngờ nắng nóng gay gắt- Ảnh 2.

Nhiệt độ nhiều nơi vượt giá trị lịch sử trong tháng 9

ẢNH: ĐÀI NAM BỘ

Mùa mưa bão vẫn còn phức tạp, nhiệt độ tiếp tục cao

Theo ông Quyết, các dự báo khí hậu mới nhất cho biết khả năng La Nina xuất hiện trong tháng 10 là trên 70% và nó sẽ kéo dài đến năm 2025. Tại Nam bộ, các mô hình dự báo cho thấy lượng mưa trong tháng 10 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, dù vậy nhiệt độ trung bình tháng vẫn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng so với những tháng trước sẽ giảm xuống từ 0,2 - 0,4 độ C. Điều này cho thấy nhiệt độ trong tháng 10 có phần mát mẻ và dễ chịu hơn.

Trong tháng 10 có khả năng xuất hiện 1 - 2 cơn bão (bao gồm cả áp thấp nhiệt đới) trên Biển Đông gây sóng to gió lớn. Đáng chú ý, trong khoảng từ ngày 3 - 5.10, do tác động của gió đông tầng thấp nên Nam bộ trời nhiều mây và có mưa diện rộng đặc biệt có mưa vào sáng sớm. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 30 - 33 độ C. Từ ngày 6 - 10.10, rãnh thấp hoạt động mạnh dần khiến trời nhiều mây, có mưa rào và giông rải rác.

Giữa tháng 10, rãnh thấp xích đạo (dải hội tụ nhiệt đới) có khả năng hoạt động mạnh trở lại trên khu vực Trung bộ. Giai đoạn này có khả năng hình thành vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới thậm chí là bão xuất hiện trên Biển Đông. Hình thái thời tiết này khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh và tiếp tục gây mưa với diện rộng và lượng khá lớn trên khu vực Nam bộ. Trong 10 ngày cuối tháng, Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới gây mưa diện rộng cho khu vực Nam bộ. 

2024 có khả năng sẽ là năm nóng nhất lịch sử

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), các số liệu từ những trung tâm hàng đầu của Mỹ và EU đều đưa ra kết luận tháng 8 năm nay là tháng nóng nhất lịch sử. So với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20, nhiệt độ tháng 8 tăng 1,27 độ C. Đáng chú ý, tháng 8 và 2 tháng liền kề trước đó là giai đoạn hiện tượng ENSO trung tính. Chuỗi tháng nắng nóng kéo dài này có thể biến năm 2024 trở thành năm nóng nhất lịch sử và vượt qua năm nóng nhất là 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.