Ngày 24.11, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm hơn 160 năm thành lập (1861 - 2022) và nhận bằng xác lập kỷ lục bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam của Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings - đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM |
duy tính |
TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã ôn lại chặng đường hơn 160 năm hình thành, phát triển của bệnh viện.
Theo TS-BS Lê Mạnh Hùng, năm 1860, người Pháp lấy khu đất rộng hơn 5 ha tại làng Chợ Quán, nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn, phía trước có kênh Người Hoa (Arroyo Chinois) chảy qua, nay gọi là kênh Tàu Hủ, để xây dựng một bệnh viện với khoảng 250 giường lấy tên là Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - PV).
Ngày 13.2.1861, bệnh viện bắt đầu chính thức mở cửa nhận bệnh. Một năm sau, ngày 10.2.1862, hải quân Pháp tiếp nhận quản lý và đến ngày 1.1.1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền dân sự.
Khu cách ly bệnh truyền nhiễm trong nhà giam Bệnh viện Chợ Quán |
DUY TÍNH |
Năm 1972 đánh dấu bước phát triển mạnh của Bệnh viện Chợ Quán về cơ sở vật chất với khu nhà chính 6 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 12.000 m2 với sự trợ giúp của Hàn Quốc. Bệnh viện Chợ Quán khánh thành vào tháng 3.1974 đổi tên mới là Trung tâm y khoa Hàn - Việt có 550 giường, chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa dược, cận lâm sàng. Vào thời điểm này bệnh viện đã trở thành 1 trung tâm y tế toàn khoa mới và tối tân bậc nhất miền nam Việt Nam, được lựa chọn làm nơi thực tập của các trường đại học y khoa và các chương trình huấn luyện của bộ y tế chính quyền Sài Gòn.
TS-BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết gắn với những biến động lịch sử của đất nước qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, khu trại giam của bệnh viện là nơi giam giữ, điều trị cho những người tù bị bệnh gồm cả thường phạm lẫn tù chính trị. Nơi đây đã từng là nơi giam giữ các chiến sĩ Cộng sản kiên cường như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi...
Trại giam trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới |
DUY TÍNH |
"Ngày 26.8.1931, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man và lâm trọng bệnh, đã được đưa đến khu nhà giam này. Đến ngày 6.9.1931, đồng chí đã hy sinh sau khi để lại lời nhắn nhủ: Giữ vững ý chí chiến đấu", TS-BS Nguyễn Thành Dũng cho biết.
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện được Ban Y tế Xã hội miền Nam thuộc Ủy ban quân quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhận kỷ lục Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam |
DUY TÍNH |
Ngày 4.8.1979, theo quyết định số 903 của Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Quán được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Năm 1989, UBND TP.HCM quyết định đổi tên bệnh viện thành Trung tâm Bệnh nhiệt đới trực thuộc Sở Y tế.
Từ năm 2002, bệnh viện được đổi tên thành Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Bệnh viện chủ lực điều trị bệnh truyền nhiễm
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 2.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú và trên dưới 600 bệnh nhân nội trú. Nhưng khoa Khám bệnh, cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chật hẹp, xuống cấp trầm trọng và cần được nhanh chóng xây mới để phục vụ bệnh nhân.
Người dân đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới |
duy tính |
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn giữ vị trí là cơ sở y tế điều trị và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm chủ lực, hàng đầu của TP và các tỉnh thành phía nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức biểu dương những thành tựu mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã đạt được. Theo lãnh đạo TP, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là những chiến sĩ áo trắng tiên phong trong phòng chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm 160 năm qua, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19.
TP.HCM đang khẩn trương thực hiện dự án xây dựng cải tạo mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Đặc biệt, khu trại giam trong bệnh viện đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay TP gấp rút thực hiện các quy trình để chuẩn bị trùng tu, nâng cấp di tích này, chuẩn bị cho mở lại đúng dịp ngày sinh Tổng bí thư Trần Phú vào năm 2024 sắp tới.
Bình luận (0)