TP.HCM: Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức phát triển chuyên sâu cỡ nào?

24/01/2024 09:58 GMT+7

Theo định hướng của ngành y tế TP.HCM, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức sẽ phát triển trở thành một bệnh viện đa khoa toàn diện với các mũi nhọn chuyên sâu về can thiệp nội mạch và cấp cứu chấn thương.

Ngày 24.1, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Hội đồng tư vấn của chuyên gia y tế thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố đã có cuộc họp và định hướng phát triển Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.Thủ Đức) giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Theo đó, về định hướng mục tiêu, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức phát triển trở thành bệnh viện đa khoa hạng I.

Trở thành bệnh viện đa khoa uy tín trong khu vực, có chất lượng chuyên môn và phục vụ tốt, toàn diện; cung cấp dịch vụ y tế từ khám cấp cứu, cơ bản đến chuyên sâu đa dạng; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân khu vực phía đông thành phố và các tỉnh lân cận vùng Đông Nam bộ. Phấn đấu đạt chuẩn quốc tế trong một số các chuyên khoa (can thiệp tim mạch, ngoại khoa...).

TP.HCM: Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức phát triển chuyên sâu cỡ nào?- Ảnh 1.

Chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, TP.HCM

BVCC

Định hướng phát triển mũi nhọn chuyên sâu ra sao?

Theo các chuyên gia, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cần tập trung phát triển các chuyên khoa mũi nhọn.

Đầu tiên, củng cố và phát triển mạnh các chuyên khoa nền tảng không thể thiếu để phát triển các chuyên khoa khác như: cấp cứu, hồi sức, nội khoa, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, giải phẫu bệnh,…

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển mũi nhọn can thiệp nội mạch (tim mạch, thần kinh, mạch máu ngoài tin...) với các trang thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại như: CT 256 lát cắt trở lên, MRI 3.0 Tesla,…

Thứ ba, phát triển mạnh chuyên ngành cấp cứu chấn thương (thần kinh, ngực, bụng, hàm mặt…) và phẫu thuật tổng quát (bao gồm cả phẫu trị ung thư và hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ), phẫu thuật lồng ngực, mạch máu, phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật sản phụ khoa…

Thứ tư, phát triển đồng bộ các chuyên khoa còn lại nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng trong khám chữa bệnh và cấp cứu của một bệnh viện đa khoa. Lưu ý cần ưu tiên phát triển các chuyên khoa lẻ (mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng) và chuyên khoa phục hồi chức năng.

Để làm được các vấn đề trên, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cần có các giải pháp như sớm xây dựng đề án, kế hoạch phát triển bệnh viện cụ thể, hiệu quả theo từng giai đoạn đầu tư, mở rộng dần phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm phát triển bền vững. Trong đó, cần chú trọng nguồn nhân lực, gắn kết với các bệnh viện trong khu vực và các trường đại học sức khỏe.

Khẩn trương mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện mới

Theo kế hoạch, năm 2024, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức sẽ đưa cơ sở mới đi vào hoạt động. Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp của TP.HCM tăng cường giám sát công trình đảm bảo tiến độ thi công công trình xây mới Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức.

Sở cũng yêu cầu Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp của TP.HCM khẩn trương rà soát danh mục trang thiết bị theo định hướng phát triển, chuẩn bị trình cho hội đồng chuyên gia phản biện của ngành y tế thành phố, giúp đảm bảo mục tiêu đầu tư vừa hiệu quả vừa tránh lãng phí.

Hiện Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức là bệnh viện hạng 2 thuộc Sở Y tế TP.HCM với quy mô 700 giường kế hoạch. Năm 2023, bệnh viện đã khám và điều trị cho 630.080 lượt bệnh ngoại trú và 33.896 lượt người bệnh nội trú.

Bệnh viện hiện có các trang thiết bị hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân như: DSA, MRI, CT-Scanner, X-quang kỹ thuật số, siêu âm Doppler màu tim và mạch máu, siêu âm 3D, 4D; điện tim gắng sức, đo ECG Holter; nội soi dạ dày; xét nghiệm sinh hóa, huyết học, định lượng HBV-DNA, tầm soát ung thư…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.