TP.HCM bùng dịch Covid-19: Còn điểm phong tỏa, bếp ăn Sài Gòn còn nổi lửa tiếp tế

17/06/2021 14:52 GMT+7

Chương trình bếp ăn miễn phí tại Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên (CTXHTN) TP.HCM bắt đầu từ cuối tháng 5. Nơi nào phong tỏa chống dịch Covid-19 , bếp ăn sẽ cung cấp suất ăn miễn phí cho lực lượng trực chốt, nhân viên y tế.

Gần 2.000 suất ăn/ngày

Hai đơn vị đầu tiên bếp ăn hỗ trợ là Q.12 (TP.HCM) đặc biệt là P.Thạnh Lộc và sau đó đến Q.Gò Vấp (TP.HCM). Chương trình được thực hiện ở hai điểm: Bếp mặn tại Trung tâm CTXHTN TP.HCM; Bếp chay tại nhà hàng Hạnh Phúc (Q.2, TP.HCM).
Mỗi ngày, trung tâm chuẩn bị từ 500 - 700 suất (mặn và chay) để gửi đến lực lượng công an, dân quân và nhân viên y tế tại các khu vực bị phong tỏa. Một suất ăn bao gồm cơm, canh, đồ mặn, đồ xào, trái cây và nước uống.

Suất ăn tăng gấp đôi khi Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM bị phong tỏa

Ảnh: Trịnh Thanh

Mỗi suất ăn luôn đảm bảo 3 món, kèm trái cây và nước

ẢNH: TRỊNH THANH

Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM bị phong tỏa do nhân viên nhiễm Covid-19. Bếp ăn hỗ trợ thêm suất ăn tại đây nên số lượng cần nấu tăng lên đột biến. Anh Võ Quốc Bình, Trưởng phòng Kết nối Tình nguyện của trung tâm, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc đến 12 giờ khuya để chuẩn bị 500 suất ăn sáng cho các y bác sĩ tại bệnh viện. Còn buổi chiều 13.6 gần 700 suất ăn. Tính số lượng riêng ngày 13.6 đã lên đến gần 2.000 suất, gấp đôi so với trước đây”.
Việc chuẩn bị bữa ăn bắt đầu từ 4 giờ sáng. Dù các bạn phải thức khuya đêm qua nhưng sáng vẫn dậy sớm để đảm bảo 6 giờ, các suất ăn hoàn tất. Anh Bình thông tin trung bình một ngày bếp ăn sử dụng khoảng 50kg thịt các loại, 300 - 400kg rau củ của hai bếp.

Cảnh nghèo lao đao thời Covid-19: Nước mắm kho quẹt sống qua ngày

Lúc tôi đến, các bạn tình nguyện viên đang chia khẩu phần ăn. Anh Cổ Văn Long (32 tuổi, ngụ Q.8) được các bạn gọi vui là “bác” bởi anh là đầu bếp phụ trách việc nấu nướng. “Công việc bình thường của tôi là bán gạo và kinh doanh online. Dịch bệnh bùng phát, công việc buôn bán chậm đi nhiều. Một người chị nói với tôi có chỗ cần người đứng bếp. Tôi cũng đang rảnh nên nhận lời”, anh Long chia sẻ.
Buổi tối anh sẽ lên thực đơn và số lượng nguyên liệu cần thiết. Các bạn tình nguyện viên phụ trách sơ chế và đóng gói, anh phụ trách chế biến. Với anh, công việc nấu nướng không quá khó nếu có số lượng cụ thể. Nhưng nếu có tình huống phát sinh, anh phải phản ứng nhanh, chế biến món ăn mới gọn lẹ để đảm bảo số lượng suất ăn cho các đơn vị.

Tình nguyện viên của chương trình đa dạng ngành nghề, từ sinh viên đến nhân viên văn phòng

ẢNH: TRỊNH THANH

Các bạn phụ trách sơ chế nguyên liệu và đóng gói suất ăn

ẢNH: TRỊNH THANH

“Tôi thường nấu thịt các loại hoặc đậu hũ vì nó không tanh và chế biến tiện hơn. Các món cá với thời tiết nóng nực sẽ rất tanh và khó ăn dù đã nấu lên rồi. Riêng món xào, một ngày tôi nấu đến vài loại nguyên liệu khác nhau như giá đỗ, dưa leo, cà rốt.. Mình làm vậy để ai thích ăn món nào cũng có, giúp cho bữa ăn bớt chán ngán”, anh Long nói.
Đầu bếp chính là người phân chia công việc theo khâu cho tình nguyện viên. Anh Long muốn công việc được thực hiện hiệu quả, tranh thủ từng phút một để không ai phải chờ đợi. Những suất ăn đến tay lực lượng tuyến đầu phải đảm bảo dinh dưỡng, dễ ăn. Mỗi ngày thực đơn đều có thay đổi. Thêm vào đó, luôn có trái cây, các loại nước tự nấu hoặc chè, bánh do nhóm tự làm gửi kèm.

Phập phồng trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 từ khi bà bán rong mắc Covid-19

Cố gắng đến khi không còn nơi phong tỏa

Việc duy trì bếp ăn với anh Bình là “khó trăm bề”. Trước hết là kinh phí. anh Bình cho biết trung tâm không có nguồn quỹ chính cho bếp ăn. Nguồn kinh phí chủ yếu đến từ các mạnh thường quân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tiếp đến là nguồn nguyên liệu. “Chúng tôi cử các bạn tình nguyện viên đến các chợ đầu mối, vận động tiểu thương hỗ trợ phần rau, củ. Ngày thì có, khi lại không. Vì thế, tôi luôn có phương án dự trù nơi có thể mua được số lượng lớn rau củ nếu không được quyên góp”, anh nói.

Hiện tại, có khoảng 40 tình nguyện viên hỗ trợ tại hai điểm bếp ăn

ẢNH: TRỊNH THANH

Sau cùng là nguồn nhân lực. Hiện tại, khoảng 40 tình nguyện viên hỗ trợ tại hai điểm bếp ăn. Các bạn phải làm việc liên tục để đảm bảo các suất ăn hoàn thành kịp giờ giao. Có những bạn phải bỏ phòng trọ, mang đồ lên trung tâm ở lại. Anh Bình vừa phải đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa phải chăm lo đời sống cho các bạn.
“Các bạn sợ ở phòng rồi nơi đó phong tỏa hoặc làm việc tại trung tâm không may mang mầm bệnh về đó nên quyết định ở lại đây. Vất vả lắm! Ai nấy cũng đầm đìa mồ hôi dưới cái nắng của thời tiết và cái nóng của bếp than. Tất cả cũng vì kế hoạch chung”, nói đến đây anh Bình xúc động, nghẹn lời.
Chị Nguyễn Thị Phương Nguyên (26 tuổi) là nhân viên một công ty bảo hiểm. Công ty vừa thông báo chia ca làm việc và họp online, chị liền tham gia chương trình. Cường độ công việc tăng lên theo số lượng suất ăn khiến chị mệt mỏi, căng thẳng. Nhưng chị quyết tâm theo đến cùng, đến khi nào Sài Gòn không còn điểm phong tỏa.

Trung tâm thực hiện sát khuẩn xe và khai báo y tế đối với đơn vị đến nhận đồ ăn

ẢNH: TRỊNH THANH

Công an Q.Bình Thạnh đang vận chuyển đồ ăn lên xe để mang đến các điểm chốt

ẢNH: TRỊNH THANH

“Tôi mong muốn được góp sức mình cho công tác chống dịch của thành phố. Tôi muốn trở thành hậu phương vững chắc để lực lượng tuyến đầu an tâm, mạnh mẽ chiến đấu. Tôi cũng mong các đơn vị doanh nghiệp có thể tài trợ kinh phí, thực phẩm để bếp ăn được duy trì theo đúng kế hoạch”, chị vui vẻ nói.
Tình cảm giữa các tình nguyện viên suốt những ngày qua càng khiến quyết tâm của chị thêm mạnh mẽ. Chị kể cho tôi nghe câu chuyện hôm qua. Về nhà sau một ngày tại bếp, chị Nguyên tranh thủ hoàn thiện hồ sơ kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp đến 1 giờ sáng. Chị đi nghỉ nhưng không tài nào ngủ được. Đến 4 giờ, chị mở điện thoại và biết các bạn tình nguyện viên đang làm việc.
“Lúc đó, nước mắt tôi rưng rưng. Tôi biết các nhân viên tại bệnh viện đang lo lắng vì nghe tin mình nhiễm Covid-19. Các bạn của tôi ở đây cũng đang hết mình làm công việc của họ để đảm bảo tuyến đầu có được bữa cơm chất lượng nhất. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này để tiếp thêm sức mạnh cho nhân viên y tế rằng họ hãy yên tâm, có chúng tôi ở phía sau”, chị bùi ngùi nói.
Cũng như chị Nguyên, anh Trần Công Bằng là Thượng sỹ tại Đội kỹ Thuật Hình sự, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cũng tới tham gia vào ngày nghỉ. Anh Bằng là người kết nối Đoàn Công an với trung tâm với mong muốn chia sẻ khó nhọc của đồng đội nơi trực chốt.

Các suất ăn được chuyển đến tay lực lượng chống dịch còn nóng hổi

ẢNH: TRỊNH THANH

Bếp ăn sẽ duy trì đến khi thành phố không còn điểm phong tỏa

ẢNH: TRỊNH THANH

Đến với bếp ăn, anh phụ trách đóng gói còn xe ô tô của đơn vị thì được đem cơm đến các chốt phong tỏa trên địa bàn TP.HCM, nhất là Q.Bình Thạnh.
“Các anh, em chiến sĩ rất cảm ơn những bạn trẻ này. Các suất cơm chất lượng, giao đến tay còn nóng hổi như vậy đảm bảo sức khỏe hơn các loại đồ ăn nhanh. Khối lượng công việc ở đây rất là nhiều. Mọi người cứ nghĩ tới đó nấu thôi thì không phải như vậy. Hầu như từ công đoạn sơ chế cơ bản đến vô hộp, vô bì đều tự tay mọi người làm. Con người thì ai cũng mệt hết. Nhưng mỗi người động viên nhau, cười nói, chọc ghẹo nhau để vơi đi mệt mỏi”, anh tâm sự.
Bếp ăn sẽ duy trì cho đến khi TP.HCM không còn điểm phong tỏa. Dù suất ăn có nhiều thêm nữa, với ý chí và tấm lòng của những bạn tình nguyện viên, bất kỳ khó khăn, khúc mắc nào cũng được gỡ bỏ. Tinh thần của người trẻ yêu nước chính là sức mạnh nội tại để đánh bại Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.