"Chủ trương của TP, mình chấp nhận"
Khu chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh, thường được người dân gọi là chợ Cầu Đỏ) là một trong những khu chợ luôn tấp nập người mua người bán khiến đoạn đường thường xuyên bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Một phần đường đang xây dựng khiến việc di chuyển càng khó khăn hơn.
Tiểu thương ở khu chợ kể lại, trước đây khu chợ có quản lý và những người kinh doanh thì phải đóng tiền phí. Nhưng từ 2 năm nay không còn ai thu tiền, một vài tiểu thương còn để hàng hóa tràn xuống cả lề đường.
|
Ngày 20.6, chị Hòa Thị Ý (40 tuổi, bán rau củ quả ở chợ Cầu Đỏ hơn 10 năm) bận rộn chuyển các kệ nhựa đựng rau củ quả vào bên trong nhà, chị cho biết đã được lực lượng chức năng, thông báo không được phép dọn hàng bán bên ngoài, ngày đầu nhắc nhở nhưng từ ngày 21.6 sẽ bị phạt.
|
Mặt bằng buôn bán được chị Ý thuê với giá 15 triệu đồng/tháng, dù bán ế hay bán đắt thì cũng phải đóng đủ tiền nên không dám nghỉ ngày nào.
“Tình hình chung mà, người ta bảo sao thì mình vậy thôi, cứ dọn vào trong nhà đã xem sao, nếu vẫn cho bán trong nhà thì mình cứ bán tiếp còn nếu không cho bán thì thôi. Hi vọng mọi chuyện sẽ ổn hơn. Giờ chỉ mong chủ nhà bớt cho tiền thuê, người ta bớt thì mình đỡ được chút xíu còn nếu người ta không bớt thì thôi là quyền của người ta”, chị tâm sự.
|
|
Khệ nệ bưng khay rau củ vào nhà, nghe vợ nói vậy, anh Hòa liền nói thêm: “Giờ dịch bệnh phức tạp quá mà, người ta phải dẹp thôi. Trước hàng quán cũng dẹp hết mình còn bán được vẫn còn may”.
Bán sạp thịt trong chợ, ông Đặng Huy (55 tuổi) đang dọn dẹp để chuẩn bị về nghỉ trưa. Ông kể lại đã nghe thông tin chợ tự phát phải ngưng hoạt động từ tối qua nên sáng nay ông và cháu gái không dọn hàng thịt ra như mọi ngày mà chỉ để ở bàn phía trong.
|
“Là chủ trương thành phố đưa ra thì mình sẵn sàng chấp hành. Nhưng mà giờ cấm luôn chắc chết, còn mua đồ cho con ăn, còn mướn nhà, đợt dịch bán không được nên đã phải vay mượn để xoay xở”, ông Huy bày tỏ.
“Bây giờ dọn sơ rồi chiều ra dọn tiếp, hai cái bàn này thì giờ chỉ để 1 cái lại thôi nhưng bưng vào bên trong nhà còn cái kia chắc để góc bên kia khóa lại gọn gàng không dùng đến”, ông giải thích.
Bán thịt ở chợ đã hơn 20 năm, ông Huy thuê mặt bằng ở chợ với giá 15 triệu đồng. Cũng như chị Ý, ông Huy cho biết chợ Cầu Đỏ đã hoạt động khoảng hơn 30 năm trước. Ông miêu tả ngày xưa chợ chỉ có 1 đoạn ngắn nhưng sau này mới kéo dài dần ra đến đường Phạm Văn Đồng như bây giờ.
|
Cách đó một đoạn, trong hẻm 201 Nguyễn Xí cũng có khu chợ tự phát tương tự thường được người dân gọi với tên chợ Thủy Lợi 4. Đến chợ lúc anh Vũ Minh Hoàng (chủ tiệm hoa) trong chợ vẫn đang dọn dẹp hoa còn để ở bên ngoài sân, anh chia sẻ vào buổi sáng được lực lượng chức năng đến nhắc nhở nên anh và các tiểu thương trong chợ đều dọn hàng vào bên trong nhà chứ không để bên ngoài như mọi khi.
“Còn được bán là may lắm rồi, giờ mình vẫn mở mà bán ở trong thì cũng không có sự thay đổi gì mấy, mong tình hình dịch bệnh khả quan hơn để còn buôn bán được bình thường”, anh nói.
"Lỡ lấy hàng rồi, người ta đuổi thì về"
Trong ngày đầu tiên TP.HCM dừng hoạt động các chợ tự phát, khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) nhộn nhịp người bán rau củ quả, hải sản và các sạp trái cây "di động" nhan nhản với bảng rao bán giá rẻ 10.000 đồng/kg. Vì gần Chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) nên con đường này vẫn luôn tấp nập người qua đường dừng lại mua đồ.
Bà Huỳnh Thị Ninh (58 tuổi, chủ một gánh trái cây) đang ăn vội hộp cơm chia sẻ phải tranh thủ bán cho hết vì lỡ lấy hàng. Bà tâm sự thời buổi dịch bệnh khó khăn mà xăng, ga vẫn lên giá nên muốn buôn bán để kiếm thêm tiền. Bà đã bán trái cây ở trên đường Bùi Hữu Nghĩa được 36 năm.
|
“Đang rầu đây, vái thổ địa hôm nay cho bán hết được chứ trái cây để được 1-2 ngày chứ có để được lâu đâu nó hư hết", nói rồi bà Ninh mở thùng trái cây ra cho xem phần trái cây bị hư, ánh mắt bà Ninh lộ rõ sự khắc khổ.
Luôn miệng mời người qua đường xem cua để mua, anh Phan Thanh Phúc (25 tuổi, quê ở Bạc Liêu) cho biết bắt đầu chuyển qua buôn bán ở khu vực này được nửa năm. Anh giải thích lựa chọn khu vực bán vì gần chợ nên khá đông người và không phải đóng phí.
|
Trước dịch, anh Phúc làm công nhân ở Q.Bình Thạnh. Sau Tết, anh thất nghiệp vì cắt giảm nhân sự nên chuyển qua bán cua ở khu vực chợ tự phát để kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt và tiền nhà trọ.
"Giờ về quê cũng không được. Nếu không được bán nữa thì mình chuyển qua bán online thôi chứ giờ đâu biết làm sao. Bán online thì sẽ khó bán hơn vì ít người mua, bán cua vốn đã khó bán rồi nên nay cố gắng bán được gì thì cứ bán, nào người ta đuổi thì về”, anh bộc bạch.
Bình luận (0)