Hội nghị có chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.HCM nhanh, bền vững”, do Thành ủy - HĐND - UBND TP.HCM tổ chức sáng qua 17.3.
Hơn 88% DN có quy mô nhỏ li ti
Khẳng định kinh tế tư nhân nhiều năm qua đã trở thành động lực trực tiếp, chiếm đến 53,6% nền kinh tế, chiếm 67,2% đầu tư toàn xã hội, ông Phong nói: “Chính doanh nghiệp (DN) tư nhân có nhiều nỗ lực bứt phá. Dẫn chứng như trong năm 2016, số DN thành lập mới tăng 15% nhưng số vốn đăng ký tăng 42%. Tuy nhiên sang năm 2017, số DN thành lập mới cũng tăng 15%, nhưng số vốn đăng ký đã tăng đến 200%”. Cũng theo ông Phong, thách thức lớn của TP là tỷ lệ DN lớn còn quá ít, chỉ chiếm 1,49%, còn lại 98,51% là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, 5,68% DN vừa, 4,58% DN nhỏ, 88,25% DN siêu nhỏ.
Hơn 88% DN là “nhỏ li ti”, nên DN đang gặp nhiều hạn chế trong cạnh tranh. Nhiều DN phản ánh do “nhỏ li ti” quá nên hầu như không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của DN, các cơ chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho DN hoạt động như cải cách hành chính vẫn chưa được lưu tâm. Thậm chí, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, đề xuất nên có biện pháp “đo” năng suất hiệu quả làm việc của các công chức hành chính bằng các phần mềm điện tử thể hiện đúng tinh thần Chính phủ điện tử.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ Phú Nhuận, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, kiến nghị TP nên nghiên cứu điều chỉnh quy định cách thức mời thầu đầu tư công, mua sắm công, các dự án sử dụng vốn ODA theo hướng ưu tiên DN Việt tham gia dự thầu từ đầu. Như quy định tỷ lệ dịch vụ, sản phẩm Việt phải đạt bao nhiêu phần trăm từng dự án, quy định tiêu chuẩn hàng hóa thay vì chỉ nói xuất xứ. Không đặt nặng điều kiện tham gia dự thầu nhằm tạo điều kiện DN TP tham gia từ đầu. Bởi thực tế, rất nhiều DN trong nước có khả năng thực hiện, sản xuất những dịch vụ, sản phẩm hiện đại, song không “chen chân” vào được các dự án đầu tư công trong nước.
TP.HCM sẽ quản lý bằng dự báo
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định TP đang đối diện thách thức quá tải về hạ tầng, hạ tầng giao thông lạc hậu. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định một số biện pháp đã được đề ra nhằm giải quyết các thách thức của TP trong thời gian tới. Lựa chọn nhà đầu tư sẽ được tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. “TP cũng đã và đang phối hợp với Công ty tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đánh giá lại tình hình thu - chi ngân sách TP, tiến hành xếp hạng tín nhiệm và tiến tới phát hành trái phiếu. Rà soát các cơ sở nhà đất để tiến hành bán đấu giá, hoàn chỉnh kế hoạch cổ phần hóa các DN nhà nước”, ông Nhân cho biết. Đặc biệt, trong năm nay, TP.HCM tập trung triển khai 4 giải pháp: xây dựng kho dữ liệu, xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của TP, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm an toàn an ninh thông tin. “TP.HCM không thể quản lý bằng kinh nghiệm mà bằng dự báo. Các quốc gia phát triển như Singapore, Mỹ… đều xây dựng những trung tâm dự báo để quản lý kinh tế xã hội”, ông Nhân nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, có thực trạng đáng buồn là “trên nóng dưới lạnh” trong giải quyết các vấn đề vướng mắc cho DN. Thế nên, trong năm nay, đại diện lãnh đạo TP cam kết với DN sẽ nâng cao chất lượng và số lượng đối thoại với DN, đảm bảo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn, công khai kết quả giải quyết… Đặc biệt, so với luật Đầu tư, thủ tục sẽ giảm 30% các quy định trong luật, đảm bảo 100% phản hồi hồ sơ đăng ký qua mạng. Với các cơ quan hành chính, TP sẽ giảm 30% thời gian hội họp để thay vào đó đi thực tế để nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc của DN. “Việc thanh tra, kiểm tra DN sẽ được lồng ghép nhiều nội dung và chỉ 1 lần trong năm”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Bình luận (0)