TP.HCM cần hơn 5.000 tỉ đồng đăng cai SEA Games 31

03/03/2017 07:49 GMT+7

Thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa có văn bản báo cáo, chính thức đề nghị Chính phủ đồng ý cho TP.HCM được đăng cai SEA Games 31 diễn ra vào năm 2021.

Cuộc chạy đua để trở thành địa điểm tổ chức đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á giữa Hà Nội và TP.HCM đang bước vào hồi “gay cấn” khi TP.HCM đã có công văn nêu trên. Trước đó, vào đầu tháng 2.2017, Thành ủy TP.HCM cũng có một công văn khác, nêu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về chủ trương đồng ý đăng cai SEA Games 31. Thành ủy đã yêu cầu Sở VH-TT TP xây dựng đề án đăng cai, trong đó đặc biệt lưu ý các công trình, dự án phục vụ sự kiện sẽ được đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc xã hội hóa, kết hợp với việc liên kết sử dụng cơ sở vật chất sẵn có của TP và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và sau SEA Games 31, tiếp tục quản lý, sử dụng phục vụ các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của TP và cả nước.
Sở VH-TT TP đang khẩn trương hoàn tất đề án, kịp báo cáo UBND TP vào cuối tháng 3, sau đó Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ thông qua trước khi chuyển sang Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT. Lãnh đạo ngành thể thao sẽ xem xét kỹ đề án của Hà Nội và TP.HCM và lựa chọn đề án nào mang tính khả thi để trình Chính phủ phê duyệt.

tin liên quan

Đầu tư VĐV cho SEA Games 29 và ASIAD còn nhiều bất công
Trong danh sách đầu tư 55 VĐV trọng điểm để chuẩn bị cho SEA Games 29 và ASIAD vừa được Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT ban hành, đội tuyển điền kinh có 6 VĐV nhưng lại thiếu vắng một số gương mặt xuất sắc.
Một số thông tin đáng lưu ý trong đề án dự kiến của TP.HCM, ví dụ như dự trù khoản thu từ các đoàn (6.000 - 7.000 người gồm cán bộ, HLV, VĐV) là 100 tỉ đồng; thu từ tài trợ, xã hội hóa khoảng 25 tỉ đồng (hoặc hơn nhiều nếu đề án được nhanh chóng phê duyệt để còn sớm có kế hoạch vận động tài trợ - đề án nêu rõ), thu từ bản quyền truyền hình khoảng hơn 65 tỉ đồng (15 tỉ đồng từ các đơn vị truyền hình trong nước, 55 tỉ từ các đài nước ngoài). Khoản chi cho công tác tổ chức vào khoảng 950 tỉ đồng. Xây mới, sửa chữa một vài công trình thể thao vào khoảng 4.300 tỉ đồng, trong đó, dự kiến kêu gọi xã hội hóa khoảng 2/3. Khoản tiền trên chưa bao gồm dự trù kinh phí khoảng 1.900 tỉ đồng xây mới Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng thành tổ hợp hiện đại 5 tầng để tổ chức thể dục dụng cụ, billiard, bóng rổ, bóng ném...
Trung tâm thể thao Phú Thọ sẽ được mở rộng, tổ chức các môn võ thuật, xây thêm ở đây một số hồ bơi, sân tennis; khu thể thao Rạch Chiếc đang bị dở dang từ hơn 10 năm nay sẽ được khởi động trở lại; đầu tư mua mới các bia điện tử phục vụ môn bắn súng; cải tạo sân Thống Nhất tổ chức một bảng của bóng đá (bảng còn lại ở Bình Dương); kết hợp với Bình Dương, Đồng Nai tổ chức một số môn; tận dụng khu ký túc xá của Trường đại học Quốc gia TP.HCM làm làng VĐV. Sở VH-TT TP dự kiến không tiến hành lễ khai mạc và bế mạc ở sân vận động vì rất tốn kém (vài trăm tỉ đồng cho lễ khai mạc). Nếu tổ chức ở nhà thi đấu sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều, nhưng dĩ nhiên vẫn phải đảm bảo được tính hấp dẫn, thu hút của lễ khai mạc (bế mạc) một sự kiện thể thao tầm cỡ khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.