TP.HCM cần phải chuyên nghiệp hóa hệ thống cấp cứu ngoại viện

06/09/2023 20:24 GMT+7

TP.HCM phát triển chuyên nghiệp hóa cấp cứu ngoại viện đường bộ, đường thủy, đường hàng không, tương ứng có 4 loại phương tiện cấp cứu, gồm: xe cứu thương, xe máy, tàu cứu thương và trực thăng.

Chiều 6.9, UBND TP.HCM họp bàn về đề án "Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo".

Cuộc gọi cấp cứu gia tăng

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện hệ thống cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM gồm có Trung tâm cấp cứu 115, quản lý 40 xe cứu thương. Ngoài ra còn có 39 trạm cấp cứu vệ tinh đặt tại các bệnh viện và 8 công ty vận chuyển cấp cứu. TP.HCM còn có xe cấp cứu 2 bánh đặt tại 5 bệnh viện.

Vì sao TP.HCM cần chuyên nghiệp hóa hệ thống cấp cứu ngoại viện? - Ảnh 1.

Cấp cứu ngoại viện tại TP.HCM hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân

NHẬT THỊNH

Số cuộc gọi cấp cứu tăng đều mỗi năm. Cụ thể, năm 2014 là 7.905 cuộc, đến năm 2021 tăng lên 414.885 cuộc, năm 2022 là 348.752 cuộc. Cùng với số cuộc gọi cấp cứu tăng thì số lượt xe xuất đi cấp cứu cũng gia tăng theo.

Sở Y tế nhận định, trên thực tế, cấp cứu 115 đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực, đãi ngộ… nên khả năng dự phòng và chống chịu trước những tình huống khẩn cấp như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh là có giới hạn. Do đó, cần phải phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp hóa là cần thiết.

Hình thành 5 trung tâm cấp cứu khu vực

Theo nội dung của đề án, TP.HCM sẽ hình thành hệ thống các trung tâm cấp cứu 115 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp, hướng đến đảm bảo cung ứng dịch vụ cấp cứu chất lượng cao cho người dân. Cụ thể, TP.HCM xây dựng mới Trung tâm cấp cứu 115 tại xã Tân Kiên, H.Bình Chánh và hình thành hệ thống các trung tâm cấp cứu 115 trên cơ sở phối hợp với các cơ sở y tế hiện hữu trên địa bàn.

Theo đó, Trung tâm cấp cứu 115 khu vực Bình Chánh (đặt tại cụm y tế Tân Kiên - Bình Chánh) là trung tâm chỉ huy cấp cứu 115 TP. HCM. Đây là nơi tiếp nhận và điều phối cuộc gọi cấp cứu, tổ chức cấp cứu, huấn luyện đào tạo, thực hành mô phỏng các tình huống cấp cứu cho học viên các khóa đào tạo cấp cứu viên ngoại viện của các trường thuộc khối ngành sức khỏe. Xây dựng hệ thống cung ứng, hậu cần (bảo trì, bảo dưỡng xe cứu thương, thiết bị y tế trên xe; khử khuẩn xe cứu thương; bổ sung thuốc, vật tư cấp cứu...) trong hoạt động cấp cứu ngoại viện.

Vì sao TP.HCM cần chuyên nghiệp hóa hệ thống cấp cứu ngoại viện? - Ảnh 2.

TP.HCM phát triển cấp cứu đường hàng không

DUY TÍNH

Trung tâm cấp cứu 115 khu vực Q.1 (dự kiến hợp tác với Bệnh viện đa khoa Sài Gòn và đặt trong khuôn viên bệnh viện). Đơn vị này đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện trong khu vực trung tâm TP.HCM, phục vụ y tế cho các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch. Phục vụ các lễ hội lớn thu hút đông đảo khách du lịch tham quan trong và ngoài nước của TP.HCM.

Trung tâm cấp cứu 115 khu vực Thủ Đức (đặt tại Trung tâm hành chính TP.Thủ Đức). Đơn vị này đảm trách nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi, điều phối cấp cứu ngoại viện khu vực TP.Thủ Đức. Ngoài ra còn là cơ sở dự phòng về hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh mạng cho cơ sở chính khi có các tình huống khẩn cấp xảy ra.

Trung tâm cấp cứu 115 khu vực Gò Vấp (dự kiến hợp tác với Bệnh viện Quân y 175 và đặt trong khuôn viên bệnh viện này), đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực và phát triển mô hình cấp cứu đường hàng không.

Trung tâm cấp cứu 115 khu vực Cần Giờ (dự kiến hợp tác với Trung tâm y tế H.Cần Giờ và đặt trong khuôn viên của trung tâm y tế này), đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực huyện đảo Cần Giờ và phát triển mô hình cấp cứu đường thủy.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực, đào tạo

Để hoạt động được các trung tâm cấp cứu 115 ngoại viện này, ngành y tế xây dựng cổng thông tin tiếp nhận và điều phối cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp. Triển khai chương trình đào tạo các loại hình nhân viên y tế của hệ thống cấp cứu ngoại viện và xây dựng các cơ chế chính sách thu hút nguồn lực. Đa dạng hóa các loại hình cấp cứu (thêm đường thủy và đường không), tận dụng mọi nguồn lực và xây dựng cơ chế phối hợp. Cuối cùng là nâng cao chất lượng cấp cứu ngoại viện của các trạm vệ tinh, các cơ sở vận chuyển tư nhân; phổ cập kiến thức năng lực thực hành sơ cứu cho người dân đối với những tình huống cấp cứu thường gặp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.