PHÁT HUY GIÁ TRỊ CHUẨN MỰC
Ngày 16.10, đoàn khảo sát nhóm 3 của Ban Chỉ đạo tổng kết T.Ư (lĩnh vực văn hóa - xã hội và con người), do Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa làm trưởng đoàn, làm việc với Thành ủy TP.HCM.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết TP.HCM đã đạt nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, xã hội sau gần 40 năm thực hiện công cuộc "Đổi mới", đặc biệt là xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Trong đó, tư duy lý luận về phát triển văn hóa có bước phát triển khá rõ; hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng; đời sống và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần đa dạng; nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy; chăm sóc an sinh xã hội, người có công được đảm bảo…
Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, chỉ ra giai đoạn từ năm 1986 - 2006, văn học nghệ thuật phát triển mạnh, văn nghệ sĩ ở TP.HCM cảm nhận sự cởi mở, đổi mới. Đây là thời kỳ mà TP.HCM có nhiều tác phẩm đỉnh cao trên các lĩnh vực văn học, điện ảnh, sân khấu. Sau đó, văn hóa nghệ thuật của TP.HCM và cả nước chựng lại và đến giữa năm 2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Thế nhưng, theo đánh giá của ông Lưu, trong 15 năm qua TP.HCM thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao về văn học nghệ thuật.
Lý giải cho thực trạng này, ông Lưu nhấn mạnh điểm nghẽn lớn nhất là văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng đều ảnh hưởng bởi kinh tế. Trong 10 - 15 năm gần đây, kinh tế phát triển nhanh nhưng tư tưởng, văn hóa nghệ thuật chưa theo kịp, đội ngũ văn nghệ sĩ cũng chưa theo kịp. "Đây là điểm nghẽn rất lớn, phải nhìn nhận và tháo gỡ", ông Lưu nói.
Trao đổi tại buổi khảo sát, nhiều ý kiến cũng chỉ ra TP.HCM thiếu vắng những công trình văn hóa trọng điểm, chưa phát triển được công nghiệp văn hóa, vị thế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao sụt giảm. Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nhìn nhận không gian văn hóa Hồ Chí Minh mà TP.HCM đang tập trung xây dựng là nét đặc sắc, nếu thành công thì đó không chỉ của TP.HCM mà còn của cả nước, ai cũng muốn thấy có hình ảnh mình trong đó. Đề cập đến mục tiêu xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, ông Lâm quan tâm đến "từ khóa" nghĩa tình và đặt vấn đề thành phố sẽ phát triển như thế nào và đâu là giá trị chuẩn mực để mỗi con người TP.HCM tự hào.
KHƠI THÔNG NGAY ĐIỂM NGHẼN
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá một số chính sách "xơ cứng" khiến việc phát triển nguồn nhân lực, văn hóa tại TP.HCM và VN chựng lại. Đơn cử như quy định hiện hành chỉ cho phép dùng ngân sách nhà nước đào tạo công chức, còn đối với viên chức và người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải tự bỏ kinh phí. Chưa kể, lĩnh vực nghệ thuật truyền thống có nhiều văn nghệ sĩ không phải là viên chức nên không thể tham gia, phương pháp truyền nghề không theo trường lớp nên muốn đầu tư, phát triển cũng rất khó.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin trong thời gian dài, địa phương muốn phát triển nhưng không có nguồn lực bởi các cơ chế huy động nguồn lực xã hội bị bó hẹp. Mới đây, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã "cởi trói" khi cho phép mở rộng hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo. "Chúng tôi mong muốn sắp tới tiến độ điều chỉnh chính sách nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để tận dụng tối đa nguồn nhân lực để phát triển", ông Đức nói thêm.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận với điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực sẵn có, TP.HCM là nơi thử nghiệm những cơ chế, chính sách đột phá, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM tiếp tục đánh giá, đúc kết bài học kinh nghiệm, lý luận cho cả nước, đồng thời đề xuất những chính sách, tầm nhìn đột phá cho riêng thành phố. "Chúng ta cần tiếp cận chính sách xã hội theo hướng tổng thể, bao trùm, gắn với định hướng, lý luận về phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh", Phó thủ tướng gợi mở.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết các ý kiến thảo luận đã làm rõ thêm một bước về nhận thức của Đảng bộ TP.HCM trong phát triển văn hóa, xã hội và con người từ năm 1986 đến nay. Ông Nghĩa nhìn nhận TP.HCM có thực tiễn sinh động, nhiều giai đoạn để đánh giá như từ kháng chiến chống Pháp, Nam kỳ khởi nghĩa, Nam bộ kháng chiến, chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới, quá trình đổi mới và khi Liên Xô - Đông Âu sụp đổ. Đặc biệt, TP.HCM cần đánh giá kỹ hơn 2 năm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều câu chuyện về văn hóa, con người...
Các ý kiến cũng làm sâu sắc hơn một số vấn đề về văn học nghệ thuật, thể thao, văn hóa truyền thống, giáo dục, đào tạo nguồn lực con người. "TP.HCM dứt khoát phải phát triển từ nguồn lực con người và nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Nghĩa nhìn nhận. Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định phát triển văn hóa và con người là vấn đề được T.Ư rất quan tâm trong tiến trình phát triển đất nước nên cần nhiều chính sách, giải pháp đột phá.
Theo đó, ông Nghĩa đặc biệt lưu ý chủ trương đã có rồi, việc còn lại là thiết kế chính sách phù hợp cho TP.HCM phát triển, vận động nhiều nguồn lực để tạo những dấu ấn đột phá trong dịp 50 năm thống nhất đất nước vào năm 2025.
"Đãi cát tìm vàng"
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ví nhiệm vụ của đoàn công tác giống như đi "đãi cát tìm vàng", tùy từng góc nhìn chọn lựa điều nổi bật ở TP.HCM trong 40 năm qua để báo cáo T.Ư. Ông Nên khẳng định Đảng bộ và chính quyền TP.HCM luôn nhận thức vị trí và tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa xã hội, con người với mục tiêu là phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế. Thành tựu 40 năm qua không thể kể hết nhưng nổi bật là giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội, môi trường. Xác định nhiệm vụ phát triển văn hóa và con người TP.HCM theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, hội nhập quốc tế, ông Nên nhấn mạnh đến việc giữ gìn cốt cách vốn có từ thời cha ông đi mở cõi vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP.HCM, nơi hội tụ văn hóa của 54 dân tộc anh em, nơi giao hòa văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Song song đó, cần tiếp tục khai thác các nguồn lực văn hóa tinh thần để tạo thành sức mạnh nội sinh; đổi mới tư duy quản lý văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập quốc tế...
Ông Nên cũng khẳng định TP.HCM đang ra sức xây dựng môi trường văn hóa đi đôi với giáo dục công dân, coi đây là cốt lõi để xây dựng thành phố, để mọi người sinh sống tự hào về thành phố.
Bình luận (0)