Trong những ngày qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu với tinh thần khách quan đã đánh giá, đặt câu hỏi và nêu giải đáp về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 0,7% của TP.HCM trong quý 1/2023, vốn được đánh giá là thấp so với kỳ vọng. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ rằng các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở nhiều "toa thuốc" để vực dậy tăng trưởng cho TP, vấn đề còn lại là "người bệnh có uống đúng hay không và thực sự có muốn uống hay không".
PHÁT HUY TỐI ĐA CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG
Để chủ động tháo gỡ "điểm nghẽn" tác động tiêu cực đến các động lực tăng trưởng, một trong những vấn đề hệ trọng được đặt ra là tâm thế, trách nhiệm vào cuộc có hiệu quả từ bộ máy hành chính của TP. Trong việc quản lý cán bộ, công chức, lãnh đạo TP yêu cầu nhất quán "rõ người, rõ việc"; không "mờ mờ ảo ảo" về trách nhiệm. Đặc biệt, giữa các sở ngành phải chấm dứt ngay việc chờ góp ý bằng văn bản tháng này qua tháng nọ khiến nhiều nhiệm vụ chung bị đình trệ…
Sự "đứng im" của một bộ phận không nhỏ trong các cơ quan tham mưu, hành chính những năm qua cũng đã được thẳng thắn nhận diện. Trong bối cảnh cấp thiết cần thúc đẩy KT-XH để đảm bảo tăng trưởng ổn định, công ăn việc làm, an sinh xã hội…, tình trạng đó không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa, mà đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức TP phải hành động mạnh mẽ trong tình thế khó khăn.
TP.HCM đã đồng lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn rất lớn vì đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 - 2021 và gặt hái nhiều thành tựu. Lần đầu tiên, kinh tế TP tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021 nhưng năm sau đó đã phục hồi và tăng trưởng ấn tượng hơn 9%. Khó khăn lần này khi kinh tế TP.HCM giảm sâu trong quý 1/2023 được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá là "không nhỏ nhưng chắc chắn chúng ta cũng phải đứng dậy đi tới".
UBND TP.HCM dự báo trong quý 2/2023 và thời gian tới, kinh tế TP tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường: thị trường bất động sản, tài chính, lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất khẩu thu hẹp… Nhằm chủ động vượt qua, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chỉ đạo sở ngành tăng cường khả năng dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, kịp thời ứng phó các tình huống phát sinh, phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH; tập trung giải quyết thủ tục hành chính, các vướng mắc, khó khăn của người dân, doanh nghiệp; phát huy tối đa các động lực tăng trưởng hiện có.
Chuyển động kinh tế ngày 13.4: Kỳ vọng bất động sản phục hồi ở quý 2 | Bitcoin phá mốc 30.000 USD
HẰNG TUẦN PHẢI BÁO CÁO TIẾN ĐỘ THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Từ những ngày cuối năm 2022, trên cơ sở đánh giá tình hình và dự báo khó khăn, thách thức, chính quyền TP đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy, HĐND TP.HCM về phát triển KT-XH. TP đã phân công 262 nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển năm 2023 cho từng cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chủ đề năm 2023: nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định công tác triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách từ T.Ư rất nghiêm túc, giao nhiệm vụ kịp thời, triển khai công trình trọng điểm quyết liệt, cải cách hành chính được đánh giá có chuyển biến… Tuy nhiên, kết quả lại chưa đạt như kỳ vọng. "Chúng ta làm nhiều nhưng cần hiệu quả trong bối cảnh hiện nay", Bí thư Nên yêu cầu.
Nhiều chỉ số của quý 1/2023 chưa được khả quan như số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiến độ giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp còn chậm… Tuy nhiên, kinh tế TP.HCM vẫn có những điểm sáng. Có thể kể đến tổng thu ngân sách ước đạt gần 125.000 tỉ đồng, đạt 26,6% dự toán năm; các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng cả về số lượng và tổng vốn đầu tư…
Trong bối cảnh kinh tế được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn, UBND TP.HCM xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp ngay từ quý 2/2023. Theo đó, khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trên địa bàn đã được UBND TP phân công cụ thể đối với từng sở ngành vào đầu tháng 3.2023. Chủ động phối hợp các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan T.Ư tiếp thu, rà soát đề án dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ngay sau khi nghị quyết mới được Quốc hội thông qua (dự kiến vào kỳ họp tháng 5 tới) về thí điểm cơ chế vượt trội phát triển TP.HCM.
Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi yêu cầu sở ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, tập trung quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, chủ động làm tốt công việc được phân công; nhất là trong việc phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc, trao đổi ý kiến giữa các sở ngành, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức. "Định kỳ hằng tuần, từng cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, báo cáo danh mục các công việc đang tiếp nhận có nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền, báo cáo Thường trực UBND TP theo lĩnh vực được phân công", Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu.
Chủ động hành động nhằm thúc đẩy sự chuyển biến chính từ bộ máy hành chính, Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu mục tiêu "tạo chuyển biến ngay từng con số trong quý 2 bằng sức của mình chứ không chờ ai", đồng thời khẳng định đây là trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu.
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TP.HCM TẬP TRUNG THỰC HIỆN TRONG THÁNG 4.2023
- Hoàn thiện đề án thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và thu hút nguồn lực xã hội cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị và dịch vụ
- Đánh giá và triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ tăng trưởng 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ.
- Rà soát quy hoạch gắn với định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và định hướng chính sách phát triển công nghiệp TP trong bối cảnh mới. Xây dựng đề án mở rộng khu công nghệ cao hiện hữu.
- Xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP (ITPC).
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống quản trị thực thi, tiến độ triển khai đề án dữ liệu; triển khai một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ.
- Đánh giá toàn diện về thị trường lao động TP.
- Nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM.
- Hoàn thiện đề án huy động chuyên gia, nhà khoa học phục vụ công tác tham mưu tư vấn; xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện các nhiệm vụ theo đặt hàng của TP…
Bình luận (0)