Sở KH-ĐT vừa báo cáo UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh vốn đầu tư công từ dự án chậm giải ngân sang các dự án khác để sử dụng hiệu quả nguồn vốn cũng như tăng tỷ lệ giải ngân năm 2024.
Theo đó, Sở KH-ĐT đề xuất tăng vốn hơn 8.400 tỉ đồng, bố trí thực hiện các dự án chuyển tiếp, khởi công mới đã có quyết định đầu tư; các dự án chuẩn bị đầu tư đã có quyết định chủ trương đầu tư; các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Đồng thời, giảm hơn 8.400 tỉ đồng theo đề xuất của các đơn vị. Trong đó, phần lớn là các dự án sử dụng vốn ngân sách TP.HCM tập trung, với 8.176 tỉ đồng. Nhóm này có gần 100 dự án ở các lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, giao thông, chống ngập.
Các dự án vốn lớn có thể kể đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Vành đai 3 TP.HCM giảm 2.322 tỉ đồng, tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa giảm 1.490 tỉ đồng, dự án nâng cấp đường Trần Đại Nghĩa (H.Bình Chánh) giảm 117 tỉ đồng, dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi (Q.8) giảm 470 tỉ đồng.
Theo thống kê, TP.Thủ Đức có nhiều dự án lớn phải giảm vốn như bồi thường giải phóng mặt bằng thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 giảm 380 tỉ đồng, dự án nâng cấp đường Lò Lu giảm 450 tỉ đồng, nút giao thông Mỹ Thủy giảm 150 tỉ đồng, nút giao thông An Phú giảm 600 tỉ đồng...
Sở KH-ĐT TP.HCM đề xuất sử dụng nguồn vốn cắt giảm này phân bổ cho nhiều dự án quan trọng như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Vành đai 2 (đoạn 1 và 2 thuộc TP.Thủ Đức); mua sắm phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác Công an TP.HCM; trang bị vật tư kỹ thuật, phương tiện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy; xây dựng trường học tại các quận, huyện...
Năm 2024, TP.HCM phân bổ nguồn vốn đầu tư công hơn 79.200 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 6, địa phương giải ngân hơn 10.900 tỉ đồng, tương ứng 13,8% dù mục tiêu đề ra là 30%. Năm nay, TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% và đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này.
Bình luận (0)