Vì sao các liên danh khiếu nại ?
Gói thầu XL-02 về xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi hoàn thành sẽ thu gom, xử lý nước thải trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Khu đô thị mới Thủ Thiêm đồng thời được xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường TP.HCM.
|
Gói thầu XL-02 (thiết kế - xây dựng - vận hành Nhà máy nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có giá trị gói thầu là 307 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 278 triệu USD, ngân sách TP.HCM hơn 616 tỉ đồng (tương đương 29 triệu USD). Gói thầu này được 7 nhà thầu nước ngoài bỏ thầu và sau đó còn 5 nhà thầu vượt qua vòng sơ tuyển.
Sau một thời gian dài đánh giá, xem xét năng lực các nhà thầu, ngày 7.3.2019, Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (nay đã sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM) đã quyết định phê duyệt chọn nhà thầu là Liên danh Acciona (Tây Ban Nha) và Vinci (Pháp) bỏ thầu hơn 240 triệu USD. Ngày 8.3.2019, hợp đồng nói trên được ký kết.
Tuy nhiên sau đó, UBND TP.HCM nhận được nhiều công văn kiến nghị, khiếu nại của các liên danh tham dự đấu thấu là Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Liên danh Suez - Posco, công văn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Bộ Công an và đặc biệt là của Văn phòng Chính phủ về những khiếu nại của các liên danh và đề nghị UBND TP.HCM xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật.
Nội dung kiến nghị và khiếu nại của 2 liên danh nói trên tập trung vào nhiều nội dung về công nghệ, năng lực của bên trúng thầu là Liên danh Acciona - Vinci. Trong đó, đáng chú ý Liên danh Samsung - Kolon -TSK cho hay mình bỏ thầu thấp hơn 14,7 triệu USD so với Liên danh Acciona - Vinci nhưng vẫn bị loại. Liên danh Suez - Posco cho rằng hồ sơ dự thầu của mình không được đánh giá dựa trên các yếu tố kỹ thuật và khách quan. Liên danh này cho hay dù giá bỏ thầu của mình nhiều hơn Liên danh Acciona - Vinci khoảng 10 triệu USD, nhưng sự chênh lệch đó đến từ công nghệ và sự chênh lệch này không đáng kể đối với một nhà máy có vòng đời 30 năm...
Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo
Trong công văn khẩn gửi Thủ tướng, UBND TP.HCM đưa ra những lập luận để khẳng định khiếu nại của 2 liên danh nói trên không có cơ sở. Việc lựa chọn Liên danh Acciona - Vinci được UBND TP.HCM thực hiện đúng quy trình.
Ngày 25.9 vừa qua, UBND TP.HCM làm việc với ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam. Theo đó đại diện WB khẳng định quá trình lựa chọn nhà thầu đã được thực hiện tuân thủ theo hướng dẫn mua sắm đấu thầu đã thống nhất theo các thỏa thuận pháp lý giữa Việt Nam và WB. Tại cuộc họp này, WB tái khẳng định gói thầu XL-02 là gói thầu lớn, quan trọng, đấu thầu phức tạp và rất khó khăn, tốn nhiều thời gian để thực hiện. Từng bước của quá trình đấu thầu đã tuân thủ theo đúng hướng dẫn của WB. Kết quả từng bước đấu thầu cũng được các chuyên gia cao cấp nhất về đấu thầu, luật sư của WB xem xét, thông qua, đã đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng trong đấu thầu.
Theo UBND TP.HCM, WB cho rằng các điểm cụ thể trong các khiếu kiện vừa qua của Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Liên danh Suez - Posco là không có cơ sở vì đã được WB xem xét kỹ lưỡng trong quá trình sơ tuyển và đánh giá đấu thầu. WB sẽ không thay đổi các quyết định đã được xem xét kỹ lưỡng của mình. WB đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp cùng TP.HCM, các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam (kể cả ở cấp cao nhất) xem xét xử lý khiếu kiện.
WB đề nghị xử lý khiếu kiện tiến hành song song, tách biệt với việc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng đã ký với nhà đầu tư từ đầu tháng 3.2019, nhưng đến nay vẫn chưa chi trả được tạm ứng để công bố hợp đồng có hiệu lực, tiến hành thực hiện hợp đồng. Lý do là có các khiếu kiện nêu trên. Có nhiều rủi ro lớn nếu tiếp tục chậm thi công hợp đồng, kể cả việc WB xem xét tạm dừng việc gia hạn dự án, hoặc có thể dẫn đến các kiện tụng không mong muốn từ Liên danh Acciona - Vinci.
Song song với việc kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện gói thầu XL-02, ngày 10.10, UBND TP.HCM có công văn đề nghị WB có ý kiến chính thức bằng văn bản để gửi Thủ tướng, Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng và các cơ quan T.Ư nhằm khẳng định quan điểm liên quan đến vụ việc để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ý kiến của Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an)Liên quan khiếu nại của Liên danh Samsung - Kolon - TSK không trúng thầu dựa trên kết luận của WB là liên danh này có “xung đột lợi ích” khi TSK - thành viên của liên danh dự thầu, sở hữu 2,32% cổ phần trong Nippop Koei (đơn vị tư vấn gói thầu).
Về điều này, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) cho biết tại kết quả chấm thầu trước đó của đơn vị tư vấn thầu (sau khi đã thay thế tư vấn Nippop Koei) xác định không có “xung đột lợi ích” trong trường hợp này. Từ đó Cục An ninh kinh tế cho biết việc lựa chọn Liên danh 02 (Liên danh Acciona - Vinci) chưa thật sự thuyết phục, có nguy cơ làm cho nhà nước mất hàng trăm tỉ đồng do chênh lệch giá trị hợp đồng Liên danh 01 (Liên danh Samsung - Kolon - TSK) và Liên danh 02.
Cục An ninh kinh tế đề nghị UBND TP.HCM xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02, đồng thời báo cáo Thủ tướng kết luận của WB về “xung đột lợi ích” để Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với WB về vấn đề này.
Theo công văn của UBND TP.HCM, khi phát hiện xung đột nói trên, WB và chủ đầu tư đã bàn hướng xử lý, thống nhất huy động Tập đoàn AF-Consult Switzerland (Thụy Sĩ) là tư vấn hỗ trợ quản lý dự án để đánh giá độc lập lại quá trình đấu thầu. Không thể hủy kết quả sơ tuyển. Theo WB, quy định tài liệu đấu thầu thì các đơn vị dự thầu có trách nhiệm thông báo về các tình huống xung đột lợi ích.
|
Bình luận (0)