Đây là một trong những chính sách đặc thù lần đầu tiên được áp dụng trên cả nước, thuộc nhóm cơ chế được Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023.
5 dự án được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2028 gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục bắc - nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Ước tính, tổng vốn đầu tư cho 5 dự án trên xấp xỉ 45.600 tỉ đồng. Trong đó, công trình có quy mô lớn nhất là mở rộng quốc lộ 13, ước tính cần hơn 13.800 tỉ đồng.
Sau khi hoàn tất thủ tục lựa chọn, ký hợp đồng với nhà đầu tư, thành phố dự kiến khởi công các dự án trên vào quý 3/2025 hoặc đầu 2026, hoàn thành sau 3 năm. Thành phố cần hơn 8.100 tỉ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Sau đó, tổng nhu cầu vốn cho các dự án ước tính 36.400 tỉ đồng, trong đó ngân sách tham gia hơn 16.700 tỉ đồng, còn lại của nhà đầu tư.
Kế hoạch triển khai các dự án trên được đưa ra nhằm ưu tiên bố trí vốn ngân sách tham gia để thực hiện công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng... Kế hoạch này cũng nhằm đưa ra lộ trình chi tiết kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Sở GTVT TP.HCM thông tin, trên địa bàn thành phố có 107 tuyến đường trục chính được quy hoạch có thể triển khai hình thức BOT theo cơ chế mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 chỉ áp dụng trong 5 năm, nên các dự án thực sự quan trọng, cấp bách, có tính tác động lớn được đề xuất ưu tiên làm trước. Các dự án được chọn ưu tiên theo 5 tiêu chí:
- Tính chất và vai trò quan trọng của tuyến đường: Tuyến đường là trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc) và kết nối các đầu mối kinh tế lớn (cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, công trình đầu mối giao thông).
- Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Cơ quan chuyên môn sẽ chọn các dự án mà hiện trạng giao thông có mức độ phục vụ (LOS) ở mức E, F nhưng sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự kiến có mức độ LOS cải thiện lên mức B, C.
- Đánh giá sơ bộ tính khả thi về phương án tài chính dự án.
- Khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư tham gia vào dự án BOT.
- Khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách tham gia dự án.
Lãnh đạo thành phố đánh giá các dự án khi hoàn thành giúp cải thiện năng lực thông hành, giảm ùn tắc giao thông khu vực, tăng cường trật tự đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường.
Bình luận (0)