Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, ngày hôm qua (10.4), nắng nóng xảy ra diện rộng ở khu vực Đông Nam bộ và TP.HCM, vài nơi ở miền Tây. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận từ 35 – 36oC, độ ẩm tương đối thấp nhất từ 49 - 55%.
Theo dự báo, hôm nay (11.4) trời giảm nắng, nhưng từ 3 – 5 ngày tới, nắng nóng diện rộng duy trì ở Đông Nam bộ và TP.HCM, có nơi ở miền Tây với mức nhiệt cao nhất từ 35 – 37oC, có nơi trên 37oC cho đến ngày 15.4. Từ ngày 16.4 kết thúc đợt nắng nóng diện rộng.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ về đợt nắng nóng diện rộng này.
Xin chào ông, xin ông cho biết vì sao những ngày qua TP.HCM nắng nóng liên tục?
Thời điểm này là cao điểm nắng nóng tại Nam bộ. Hệ thống thời tiết chính tác động do trên tầng cao trường phân kỳ (áp cao Tây Thái Bình Dương) có cường độ mạnh, vị trí trục áp cao này xuống tới khu vực các tỉnh Nam Trung bộ, gần với Nam bộ. Do đó, ban ngày trời ít mây, nắng mạnh, thời gian nắng kéo dài trong ngày. Thông thường giá trị nhiệt độ không khí cao nhất năm cũng hay rơi vào tháng 4, đầu tháng 5.
Xin ông cho biết, mức nhiệt ghi nhận những ngày qua tại TP.HCM ra sao? So với mọi năm, mức nhiệt này có gì khác biệt?
Nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM ghi nhận tại trạm Tân Sơn Nhất ngày 9 và 10.4 là 37oC. Giá trị này ở mức trung bình so với trung bình nhiều năm – trung bình nhiều năm trong tháng 3, 4, 5 nhiệt độ không khí cao nhất đạt 38 – 39oC. Năm 2022 cao nhất 37oC.
Vậy nhiệt độ những ngày qua chưa phải là cao nhất so với trung bình nhiều năm, nhưng vì sao người dân lại có cảm giác nắng nóng hầm hập, thưa ông?
Những ngày qua, nhiệt độ lên cao, tuy chưa đạt mức nắng nóng gay gắt (trên 37oC), nhưng người dân có cảm giác oi bức là vì xuất hiện những cơn mưa vào đêm, sáng sớm. Từ đó, làm cho độ ẩm không khí khá cao, hơi nước còn đọng lại của trận mưa đêm, sáng sớm này, sẽ bốc hơi.
Trong điều kiện ban ngày bức xạ mặt trời đốt nóng mặt đệm mạnh, hơi nước bốc lên trong điều kiện nắng nóng làm cho cảm giác nóng gia tăng, cộng hưởng bởi nhà bê tông, mặt đường nhựa, mật độ người, phương tiện giao thông xả ra hơi nóng. Trong khi đó gió nhẹ, nên cảm giác càng oi bức.
Xin ông cho biết, thời điểm nắng nóng nhất trong ngày là khung giờ nào?
Diễn biến nắng nóng từ khoảng sau 12 giờ đến 16 giờ, cao nhất thường vào khoảng từ 13 – 14 giờ. Khi đó bầu trời thường rất ít đến quang mây, độ ẩm không khí thấp, khoảng cách từ mặt trời tới trái đất ngắn nhất, tia bức xạ chiếu gần vuông góc với nơi nhận bức xạ (ở Nam bộ), góc nhập xạ lớn, trái đất lúc này nhận được cường độ bức xạ mặt trời mạnh nhất.
Vậy nắng nóng ở TP.HCM sẽ kéo dài đến khi nào, thưa ông?
Nắng nóng ở TP.HCM sẽ còn diễn ra từ nay tới cuối tháng 4, sang tháng 5, thậm chí sang đầu tháng 6. Tuy nhiên từ giữa tháng 5, đầu tháng 6, cường độ nắng nóng sẽ giảm.
Theo ông, nắng nóng ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân thế nào, người dân cần chú ý đề phòng những gì với thời tiết này?
Nắng nóng tác động làm cho mồ hôi ra nhiều, cơ thể mất nước nhanh, bức xạ mặt trời mạnh (tia UV cao), làm nhanh mệt mỏi, chóng mặt, những người lao động trực tiếp ngoài trời dễ say nắng.
Người dân cần lưu ý:
- Khi vừa di chuyển ngoài nắng vào phòng, không nên để máy lạnh nhiệt độ quá thấp, sẽ làm cơ thể chưa kịp thích ứng thay đổi nhiệt độ, dễ bị cảm.
- Không nên uống ngay nước đá khi vừa đi ngoài nắng, rất dễ bị viêm họng.
- Nắng nóng không khí khô, độ ẩm thấp, rất dễ gây chập, cháy, nổ, các thiết bị điện.
- Những tỉnh có rừng cần đề phòng cháy rừng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bình luận (0)