TP.HCM chuẩn bị chuyển cấp lý lịch tư pháp sang công an

24/02/2025 08:01 GMT+7

Sở Tư pháp TP.HCM đang nỗ lực bảo đảm quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân không bị gián đoạn, song song với chuẩn bị để quá trình chuyển giao công tác này sang công an cấp tỉnh được thông suốt, kịp thời.

TP.HCM chuẩn bị bàn giao như thế nào ?

Phiếu lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh cá nhân có hoặc không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Trước thông tin về việc chuyển giao cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp sang công an cấp tỉnh, PV Thanh Niên có mặt tại Sở Tư pháp TP.HCM để ghi nhận tình hình. Hiện quá trình cấp phiếu cho người dân vẫn diễn ra bình thường.

Hầu hết những người đến Sở Tư pháp để yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp chủ yếu là người mới làm lần đầu, không nắm rõ công nghệ. Theo Sở Tư pháp TP.HCM, kể từ khi TP triển khai cấp phiếu trên ứng dụng VNeID, trung bình mỗi ngày chỉ còn khoảng 200 người dân đến sở để làm trực tiếp thủ tục. Trong khi trước đó, người dân đến làm thủ tục chỉ cần đến sau 9 giờ hoặc sau 14 giờ là gần như không thể lấy được số thứ tự mà phải ra về vì quá đông.

Anh Lê Đức Cường, đang có kế hoạch đăng ký làm tài xế công nghệ, nên được hướng dẫn tới Sở Tư pháp yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Khi được hỏi tại sao không làm trên VNeID cho đỡ mất thời gian đi lại, anh Cường nói do không biết. Thế rồi anh lấy điện thoại ra làm theo hướng dẫn trên màn hình được đặt ngay ở sảnh của Sở Tư pháp, thay vì ngồi lấy giấy viết tay. "Tôi vừa điền xong thông tin. Hệ thống báo thành công và tôi cũng đã đóng tiền qua app luôn. Thấy làm cũng đơn giản", anh Cường khoe.

TP . HCM chuẩn bị chuyển giao lý lịch tư pháp sang công an tỉnh - Ảnh 1.

Từ khi thực hiện cấp lý lịch tư pháp qua VNeID, người dân không còn phải chịu cảnh chờ đợi, chen chúc tại cơ quan cấp

ẢNH: NGÂN NGA

Trước đó, ngày 24.1, Bộ Tư pháp có công văn gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư về việc chuyển giao nhiệm vụ lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp sang công an cấp tỉnh. Việc này nhằm triển khai ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Cũng theo Bộ Tư pháp, thời điểm chuyển giao căn cứ theo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Để quá trình chuyển giao diễn ra kịp thời, thông suốt, không làm gián đoạn, ảnh hưởng việc giải quyết yêu cầu cấp phiếu của người dân, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc T.Ư quan tâm chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc chuyển giao nhiệm vụ này sang công an cấp tỉnh.

Cụ thể, thứ nhất chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu theo quy định, bảo đảm công việc không bị gián đoạn trong thời gian chưa bàn giao nhiệm vụ.

Thứ hai, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp công an cấp tỉnh chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chuyển giao nguyên trạng. Tạo điều kiện để cán bộ công an cấp tỉnh sang Sở Tư pháp học hỏi, trao đổi nghiệp vụ trong việc tiếp nhận thực hiện các quy trình liên quan đến công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp; phối hợp rà soát, thống kê tài liệu... Để từ đó bảo đảm thực hiện ngay việc bàn giao khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Vì thế, hôm 17.2 vừa qua, ông Phan Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, chỉ đạo Phòng Lý lịch tư pháp đảm bảo công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp không bị gián đoạn trong thời gian chưa thực hiện bàn giao. Ngoài ra, ông Tùng còn giao Văn phòng Sở rà soát, thống kê, sắp xếp hồ sơ tài liệu liên quan đến "Đề án số hóa dữ liệu lý lịch tư pháp" để bàn giao sang Công an TP.HCM. Đồng thời giao Phòng tổ chức rà soát, tham mưu phương án sắp xếp, bố trí công tác cho các công chức Phòng Lý lịch tư pháp, giải quyết hợp đồng với các nhân viên hợp đồng lao động đang thực hiện công tác lý lịch tư pháp.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết khoảng nửa tháng nay, cán bộ Công an TP.HCM đã đến Sở để học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị tiếp quản công việc sắp tới.

"Mọi hoạt động diễn ra trước ngày bàn giao vẫn bình thường. Không có tình trạng người dân đổ xô đến Sở Tư pháp đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ chính thức chuyển giao công tác lý lịch tư pháp sang Công an TP.HCM ngay sau khi Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) chuyển giao công tác này cho Bộ Công an", bà Hạnh nói.

Người dân đã quen với VNeID

Từ tháng 11.2024 đến nay, Sở Tư pháp TP.HCM thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đối với người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Thông qua đó, người dân có thể ngồi ở nhà thực hiện các bước trên điện thoại hoặc máy tính chỉ trong khoảng 5 phút mà không cần đến Sở Tư pháp. Việc này giúp người dân không mất thời gian, công sức phải đến, chờ đợi như trước đây.

Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, từ ngày 1.1 - 18.2, Sở đã tiếp nhận hơn 10.500 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên tổng số hơn 19.100 hồ sơ các loại (chiếm tỷ lệ hơn 54%); hồ sơ trực tuyến nộp qua cổng dịch vụ công thành phố là gần 1.000 hồ sơ (hơn 5%).

TP . HCM chuẩn bị chuyển giao lý lịch tư pháp sang công an tỉnh - Ảnh 2.

Phòng Lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp TP.HCM vẫn đang làm việc miệt mài để phục vụ người dân

ẢNH: NGÂN NGA

Đặc biệt, chỉ trong vòng nửa tháng sau Tết Nguyên đán, Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận hơn 10.200 hồ sơ. Trong đó qua VNeID là hơn 5.800; hồ sơ trực tuyến gần 500 hồ sơ; chiếm tỷ lệ hơn 62%.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, khi làm trên VNeID, phiếu lý lịch tư pháp được cấp bằng bản điện tử (được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của Sở Tư pháp) có giá trị pháp lý như bản giấy. Ngoài bản điện tử được cấp trên VNeID, nếu có nhu cầu, người dân có thể chọn nhận thêm bản giấy được trả trực tiếp tại Sở Tư pháp, hoặc qua dịch vụ bưu chính.

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp là 200.000 đồng/lần/người. Việc thanh toán phí trực tuyến và nhận kết quả là phiếu lý lịch tư pháp điện tử trên ứng dụng VNeID được ký số đảm bảo đúng quy định của luật Giao dịch điện tử. Phiếu điện tử có thể sử dụng nhiều lần, nộp ở nhiều doanh nghiệp khác nhau, người dân không phải mất phí đề nghị cấp thêm bản giấy.

Cũng theo Sở Tư pháp TP.HCM, khi nộp hồ sơ qua VNeID, để tránh thời gian chờ đợi, đối với trường hợp có ủy quyền, người dân chỉ cần đính kèm các giấy tờ liên quan (như CMND, hoặc CCCD, hoặc hộ chiếu…) của người được ủy quyền và văn bản ủy quyền, hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ theo quy định.

Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ (gồm cha mẹ đẻ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ) là 100.000 đồng/lần/người.

Trường hợp người được cấp phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi, cơ quan cấp thu thêm 5.000 đồng/phiếu.

Những người được miễn phí gồm: trẻ em; người cao tuổi; người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo; người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.