TP.HCM: Chuyên gia khuyến nghị giải pháp ngăn ngừa bạo lực đối với trẻ em

30/09/2022 20:30 GMT+7

Tại hội thảo "Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em", chuyên gia khuyến nghị nhiều biện pháp phòng ngừa.

Ngày 30.9, Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo "Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em".

Tại hội thảo, các chuyên gia bàn luận về việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em; chế tài đối với chủ thể có trách nhiệm trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em.

Quang cảnh hội thảo

bích ngân

Theo PGS - TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng các cơ chế để phòng ngừa, xử lý các hành vi bạo lực đối với trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn còn xuất hiện nhiều vụ bạo hành trẻ em, trong đó có trường hợp để lại hậu quả rất nặng nề.

TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Trường đại học Luật TP.HCM dẫn thông tin, trong 5 năm (từ năm 2015 - 2019) cả nước phát hiện, xử lý 8.442 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có hơn 6.000 trẻ em bị xâm hại tình dục. Đáng báo động, đối tượng xâm hại trẻ em là người thân, người quen chiếm đến 90% và đang có xu hướng gia tăng.

TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, Trường đại học Luật TP.HCM phát biểu tại hội thảo

bích ngân

Các hành vi xâm hại trẻ em ngoài việc gây thương tích, tổn hại sức khỏe, còn khiến nhiều trẻ em bị tổn thương nặng về mặt tâm lý, thậm chí rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi. Trên cơ sở này, bà Khánh khuyến nghị, tăng cường kiểm soát hành vi cá nhân trong phạm vi nhóm nhỏ như: gia đình, lớp học, tổ dân phố nhằm góp phần ngăn ngừa, xử lý kịp thời tội phạm xâm hại trẻ em. Chủ thể có nhiệm vụ tăng cường kiểm soát này là gia đình, nhà trường, người dân sống xung quanh và các cơ quan đoàn thể tại địa phương.

Đồng thời, bà Khánh nhận thấy, tính hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm còn thể hiện ở việc ngăn ngừa không để tội phạm xảy ra. Do đó, cơ quan chuyên môn có thể xem xét tăng cường lực lượng phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em ngay tại xã, phường; bổ sung chế tài xử lý khi các chủ thể phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm...

Tham luận tại hội thảo

bích ngân

Tại hội thảo, Ths Nguyễn Phương Thảo, giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM nêu, hiện nay xuất hiện loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng, thông qua hình thức, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc chứng kiến trình diễn khiêu dâm.

Để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục trên không gian mạng, cơ quan chức năng xem xét ban hành văn bản xử phạt hành vi "cố ý xem, truy cập nội dung khiêu dâm trẻ em". Về phía gia đình, thay vì hạn chế trẻ em sử dụng internet, phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, giáo dục trẻ em những rủi ro trên không gian mạng...

Qua buổi hội thảo, ban tổ chức sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp cho cơ quan chức năng nhằm phòng ngừa, kịp thời xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.