TP.HCM có 7 nhóm hàng vào câu lạc bộ xuất khẩu tỉ đô

09/01/2023 19:35 GMT+7

Chiều 9.1, TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành công thương.

Thông tin tại hội nghị, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, năm qua, thành phố có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

Cụ thể, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử - linh kiện xuất khẩu thu về 15,3 tỉ USD; hàng dệt, may 4,4 tỉ USD (tăng 25,0%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,7 tỉ USD (tăng 25,4%); giày dép các loại đạt 2,5 tỉ USD (tăng gần 49%); dầu thô thu về 2,3 tỉ USD (tăng gần 18%); gạo đạt 1,2 tỉ USD (tăng 7,2%); các mặt hàng rau quả đạt 1 tỉ USD (tăng 9,4%). Tính chung cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 47,18 tỉ USD (bao gồm cả dầu thô).

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị

NG.NG

Đáng lưu ý, năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại, gần 14% so với năm 2021 (giảm hơn 14%). Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cho thấy xu hướng phục hồi của nền kinh tế ngày càng trở nên rõ nét hơn. Tuy nhiên, giá xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng làm cho chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các chi phí đầu vào tăng là một trong những khó khăn lớn đặt ra cho nền kinh tế nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.

Thế nên, năm 2023, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết doanh nghiệp vẫn còn đối diện nhiều khó khăn. Cụ thể là sức mua giảm ở các thị trường xuất khẩu nên ảnh hưởng đến một số ngành, doanh nghiệp phải ngừng hoặc điều chỉnh quy mô sản xuất.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn khó và chi phí nguyên vật liệu tiếp tục gia tăng. "Sở đã thực hiện các nhóm giải pháp chính là làm sao thúc đẩy công nghiệp phát triển trong đó khuyến khích và hướng dẫn chuyển đổi số và sản xuất xanh", ông Vũ nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong logistics để giảm chi phí; triển khai các trung tâm hoạt động logistics trên địa bàn TP và bổ sung quy hoạch kêu gọi đầu tư để sớm hình thành các trung tâm logistics.

Đại diện doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực TP.HCM, bà Lý Kim Chi, đề xuất năm 2023, TP cần phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là một trong những đề án quan trọng trong chương trình phát triển ngành chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2021 - 2030 và là “cú hích không chỉ cho sự phát triển của ngành lương thực thực phẩm mà cả ngành thủy sản trong thời gian tới”.

Kế hoạch năm 2023, ngành công thương TP.HCM đặt ra mục tiêu phấn đấu có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12% so với dự ước năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố (trừ dầu thô) tăng 10% so với dự ước năm 2022. Định hướng cho năm nay 2023, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh sẽ hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm ngành cơ khí, cao su, nhựa; lương thực thực phẩm; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và dệt may.

Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan lưu ý ngành công thương tập trung nguồn lực cho công tác nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ dựa trên nhu cầu doanh nghiệp. Đặc biệt, các chính sách về kích cầu đầu tư vào công nghiệp, hỗ trợ kết nối ngân hàng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.