Bạn đọc cho rằng giải pháp chống ngập bằng sà lan di động đặt máy bơm công suất lớn mà Công ty Quang Trung vừa đề xuất chỉ là tạm thời, muốn giải quyết triệt để tình trạng này thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ bền vững hơn.
Như Thanh Niên thông tin, Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về đề xuất chống ngập cho đường Nguyễn Văn Quá, đường Phan Huy Ích và kênh Tham Lương (địa bàn quận 12 và Gò Vấp) bằng đập sà lan di động chở máy bơm công suất lớn của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) theo hình thức thuê dịch vụ trọn gói (không hết ngập không lấy tiền).
Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi, điều kiện triển khai, trong đó bao gồm cả tính pháp lý, sự tác động môi trường, khả năng giao thông thủy...
Chỉ là chuyển ngập chỗ này sang chỗ khác ?
Không chỉ nhận các ý kiến trái chiều từ chuyên gia mà nhiều bạn đọc (BĐ) cũng e ngại với kiểu chống ngập như thế này. Trước đó vào tháng 10.2017, cũng với hình thức chống ngập "không hết ngập không lấy tiền", Công ty Quang Trung đã đầu tư máy bơm chống ngập công suất lớn để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Hiện TP.HCM đang thuê dịch vụ chống ngập của Công ty Quang Trung với giá 14,2 tỉ đồng mỗi năm, tuy nhiên toàn tuyến đường này đang được đầu tư cải tạo lại, kể cả hệ thống thoát nước.
BĐ G.Y (Sơn La) nêu quan điểm: "Nâng mặt đường từng đoạn và đền bù nhà dân bị ảnh hưởng từng đoạn là giải pháp lâu dài... Ba cái hút này tốn tiền mà không căn cơ lâu dài".
"Vấn đề là bơm lượng nước khổng lồ này đi đâu? Hay là chuyển ngập chỗ này sang nơi khác", BĐ Minh Hải (TP.HCM) thắc mắc. Trong khi đó, BĐ Kinh Quốc (Nha Trang) thẳng thắn: "Nếu không đạt được mục đích chống ngập thì sao? Ai chịu trách nhiệm...?".
Cần các giải pháp bền vững
Liên quan đến vấn đề chống ngập của TP.HCM, nhiều bạn đọc cho rằng giải pháp "siêu máy bơm" là không căn cơ, nếu có cũng chỉ là tạm thời, muốn xử lý triệt để thì cần nhiều phương án đồng bộ hơn. "Máy bơm chỉ là tình thế tạm thời chẳng giải quyết căn cơ. Hệ thống cống thoát nước nhỏ cần mở cổng đường kính từ 4 m trở lên, nạo vét kênh rạch, ngăn nước tràn ngược...", BĐ Định (Đồng Nai) nêu ý kiến.
"Nếu chỉ dùng biện pháp siêu máy bơm thì TP.HCM không bao giờ hết ngập, chúng ta chỉ đang giải quyết phần ngọn. Vì vậy, TP cần phải huy động tổng lực với nhiều giải pháp dài hạn cho "cuộc chiến" chống ngập này", Đan Thảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) góp ý.
Bình luận (0)