TP.HCM cũng khó tuyển giáo viên, vì sao?

04/12/2023 07:06 GMT+7

Không có giáo viên cơ hữu cũng không mời được thỉnh giảng là thực tế về nhu cầu giáo viên mỹ thuật, âm nhạc đang diễn ra tại TP.HCM.

CHỈ TUYỂN ĐƯỢC KHOẢNG 50%

Đề cập kết quả tuyển dụng giáo viên (GV) năm học 2023 - 2024, ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay tính đến tháng 11, TP.Thủ Đức và các quận, huyện đã tuyển dụng được 2.219 GV trong số 4.717 chỉ tiêu (đạt khoảng 50%). Hiện nay vẫn còn một số quận, huyện đang thực hiện tuyển dụng viên chức cho các trường mầm non, tiểu học và THCS. Còn đối với GV bậc THPT, Sở GD-ĐT đã tuyển được 165 trong tổng số 251 chỉ tiêu cần.

TP.HCM cũng khó tuyển giáo viên, vì sao ?  - Ảnh 1.

Nhiều trường tại TP.HCM không tuyển được giáo viên mỹ thuật, âm nhạc (ảnh minh họa)

THÔNG NGUYỄN

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho hay tính đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT đã phân cấp cho 20 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc được tuyển dụng viên chức, và đã tuyển được 15 trong tổng số 33 GV. Dự kiến, Sở sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng đợt 2 cho các đơn vị còn thiếu GV.

Cũng theo ông Lộc, TP.HCM vẫn gặp khó khăn và hạn chế đối với GV các môn nghệ thuật, công nghệ. Đặc biệt là hai môn mỹ thuật, âm nhạc khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Những môn học này luôn rơi vào tình trạng khan hiếm GV. Chẳng hạn môn âm nhạc, chỉ có 2 ứng viên dự tuyển vào 12 vị trí ở các trường THPT. Hay môn mỹ thuật, TP có nhu cầu tuyển dụng 8 GV, có 5 ứng viên dự tuyển; công nghệ thì cần 8 GV thì có 7 ứng viên…

10 NĂM KHÔNG TUYỂN ĐƯỢC GIÁO VIÊN MỸ THUẬT

Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng tại Q.1, TP.HCM, cảm thán: "Nói ra không ai tin nhưng sự thật là 10 năm rồi trường không tuyển được GV mỹ thuật. Trong 10 năm qua, GV chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy môn mỹ thuật cho học sinh (HS) các lớp".

Theo vị hiệu trưởng này, do GV tiểu học được đào tạo dạy nhiều môn, đồng thời tìm hiểu, học hỏi nên có thể hướng dẫn HS nhưng vẫn đáng lo ngại. "Mỹ thuật là môn học thuộc lĩnh vực nghệ thuật, yếu tố cảm xúc và năng khiếu, đam mê giữ vai trò quyết định nên nếu được dẫn dắt bởi GV mỹ thuật sẽ giúp HS hứng thú hơn. Thêm vào đó, với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, phát triển năng lực, định hướng nghề nghiệp thì nuôi dưỡng đam mê, phát huy năng lực cá nhân từ bậc tiểu học sẽ hỗ trợ và thúc đẩy việc định hướng nghề nghiệp phù hợp ở bậc THPT", vị hiệu trưởng này nhận định.

Để giúp HS có thể phát huy năng khiếu, trường đã tổ chức CLB mỹ thuật, sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện và có thu để mời GV mỹ thuật từ các trung tâm đào tạo kỹ năng về hướng dẫn. Từ thực tế này, vị hiệu trưởng nêu nghịch lý: "Trường tuyển GV cơ hữu không có nhưng GV dạy các trung tâm thì lúc nào cũng có".

TP.HCM cũng khó tuyển giáo viên, vì sao ?  - Ảnh 2.

TP.HCM vẫn gặp khó khăn và hạn chế đối với giáo viên các môn nghệ thuật, công nghệ

ĐÀO NGỌC THẠCH

SINH VIÊN MỸ THUẬT KHÔNG MUỐN LÀM GV CƠ HỮU

Còn lãnh đạo một trường THPT lớn tại Q.Bình Thạnh cho hay để đáp ứng nhu cầu HS chọn môn nghệ thuật, hai năm nay trường thông báo tuyển GV mỹ thuật nhưng đều không có. Do vậy nhà trường thỉnh giảng hợp đồng với 1 GV từ nhạc viện, 1 GV mỹ thuật ở bậc THCS. Trong quá trình thỉnh giảng, nhà trường thường xuyên thuyết phục GV tham gia tuyển dụng để trở thành GV cơ hữu nhưng đều bị từ chối. "Họ đều trả lời muốn dành thời gian cho các hoạt động chuyên môn khác ở ngoài nhà trường vì thu nhập cao hơn, đồng thời không bị ràng buộc và phụ thuộc về thời gian và quy định như trường học", lãnh đạo trường THPT này thông tin.

Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), 3 năm nay trường cũng không tuyển được GV mỹ thuật.

Trong buổi làm việc giữa Sở GD-ĐT TP.HCM với các khoa đào tạo chuyên ngành của Trường ĐH Sài Gòn về công tác đào tạo, bồi dưỡng GV theo Chương trình GDPT 2018 diễn ra vào giữa năm 2023, lãnh đạo trường ĐH này cho hay hằng năm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm mỹ thuật là 30 nhưng thực tế chỉ có khoảng 15 sinh viên theo học. Lãnh đạo Trường ĐH Sài Gòn cũng nhìn nhận sinh viên tốt nghiệp đã không mặn mà với môi trường giáo dục và đều tìm cơ hội làm việc ở lĩnh vực khác. 

Các giải pháp từ Sở GD-ĐT

Trước thực tế này, ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã xây dựng phương án tuyển GV các môn khan hiếm. Cụ thể, bên cạnh việc đặt hàng đào tạo với các trường ĐH, trong năm học 2023 - 2024, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chủ động sắp xếp phân công nguồn nhân sự tại chỗ. Nếu không đủ nguồn sẽ liên kết để chia sẻ GV thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn với điều kiện đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cấp học.

Ưu tiên huy động GV âm nhạc, mỹ thuật bậc THCS có trình độ ĐH trở lên để bố trí dạy bậc THPT ở những cơ sở giáo dục có điều kiện thực hiện. Bên cạnh đó, xem xét năng lực đội ngũ GV âm nhạc, mỹ thuật bậc tiểu học có trình độ ĐH trở lên để bố trí dạy học bậc THPT ở những cơ sở giáo dục có điều kiện thực hiện.

Về kế hoạch lâu dài, Sở GD-ĐT tiếp tục phân cấp tuyển dụng đối với các trường THPT thuộc các huyện xa trung tâm. Thực hiện xét tuyển đối với các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc căn cứ theo quy định của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Tiếp nhận vào làm viên chức đối với các trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo ĐH trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong trường hợp vẫn còn thiếu nguồn tuyển, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp Sở Nội vụ trình xin ý kiến UBND TP xem xét về tiêu chuẩn trình độ đào tạo liên quan chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với các trường hợp có bằng cử nhân chuyên ngành âm nhạc và mỹ thuật không thuộc ngành đào tạo GV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.