TP.HCM cúp điện từ 2 đến 3 tiếng là sự cố bất khả kháng

09/04/2019 20:27 GMT+7

Chiều 9.4,Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã có buổi “Gặp gỡ trao đổi và lắng nghe ý kiến báo chí quý 1/2019”. Tại đây, nhiều bức xúc, thắc mắc của khách hàng mà các nhà báo phản ánh đã được trả lời.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc EVNHCMC: “Từ đầu tháng 3, TP.HCM bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao. Tính đến ngày 20.3, tổng sản lượng điện mỗi ngày của thành phố tăng dần từ 71 triệu kWh/ngày đến hơn 83 triệu kWh/ngày, trong đó ngày 27.3 ghi nhận sản lượng cao nhất vào khoảng 83,45 triệu kWh/ngày. Trong các tháng 4-5-6 tiếp theo, nắng nóng vẫn tiếp tục và có thể còn nóng hơn nữa. Khi đó, nhu cầu sử dụng điện cũng như sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục căng thẳng”.
Tổng giám đốc EVNHCMC Phạm Quốc Bảo trả lời những thắc mắc về điện
Buổi gặp gỡ đặc biệt quan tâm của các nhà báo
Các bộ phận của EVNHCMC giải đáp những bức xúc của người dân qua báo chí
Rút ngắn thời gian sửa chữa
Tuy nhiên, quan điểm của ngành điện TP.HCM là không cho phép cắt điện và nếu có thì thời gian khắc phục phải thực hiện nhanh nhất. Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng ban truyền thông EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Trong 3 năm nay, TP đã đưa vào Trung tâm điều khiển ngay tại Tổng công ty nên mọi việc tập trung ở đầu não đều được xử lý rất nhanh gọn. Chỉ cần 3 phút là chúng tôi sửa chữa xong ngay. Nếu tính bình quân thì thời gian sữa chữa rút ngắn khá nhiều. Chỉ khi nào hy hữu lắm xảy ra hỏa hoạn hoặc sự cố cây ngã đổ trụ điện hoặc cháy nổ thì thời gian khắc phục mới phải kéo dài. Theo thống kê, bình quân thời gian mất điện từ ngày 1.1 đến nay chỉ trung bình có 12 phút, là cố gắng hết sức lớn.
“Hôm chủ nhật ngày 7.4 vừa rồi ở có tình trạng mất điện nhỏ nhỏ ở xã Bình Hưng và cúp điện dưới 2 tiếng ở xã Lê Minh Xuân do máy biến áp bị xe đụng, chúng tôi phải tiến hành thay máy biến áp mới nên có hơi lâu một chút...”, ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.
Tổng giám đốc Phạm Quốc Bảo tiếp thu ý kiến của một người dân ở Q.Bình Thạnh do báo chỉ chuyển đến về việc đã để xảy ra cúp điện vào ban đêm. Ông Bảo giải thích: “Khoảng 20 giờ trở về sáng là thời gian thấp điểm, công suất trên hệ thống dư rất nhiều nên hiếm khi bị cho cúp điện. Tuy nhiên, nếu có khách hàng phản ánh thì chúng tôi xin ghi nhận và đề nghị công ty điện lực Gia Định phải sớm có phản hồi phúc đáp cho khách hàng được rõ…”.
Đại diện một số báo cũng nêu câu hỏi về việc Bộ Công thương vừa tiến hành khảo sát 150 tòa nhà tại TP.HCM để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà sử dụng, và có thể bán lại phần điện dư cho ngành điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung, với giá 9,35 UScents/kWh, lãnh đạo EVNHCM thông tin: “Với mái nhà chừng 20 m2, chỉ cần đầu tư khoảng 60 – 70 triệu đồng là có điện để xài. TP.HCM nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh nên tiềm năng sử dụng điện mặt trời là rất lớn.Dự kiến kinh phí để triển khai dự án này phải từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng, sẽ huy động từ nguồn xã hội hóa để thực hiện.
Giá điện tăng cao, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà là rất lớn
 
Hoá đơn tiền điện tháng này sẽ tăng
Xung quanh việc tăng giá điện, ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM dự báo: "Có thể hóa đơn tiền điện tháng tới sẽ tăng. Ngoài lý do giá điện tăng theo quyết định của Bộ Công Thương ngày 20.3.2019 vừa qua, thì hàng năm, vào các tháng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng rất cao. Nhìn vào biểu đồ thống kê sản lượng điện từ năm 2014-2018 do Trung tâm Điều độ hệ thống điện TPHCM ghi nhận, có thể thấy rõ lượng điện tiêu thụ tháng 3, tháng 4 hàng năm tăng cao so với tháng 2, có năm tăng đến 50%".
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt cho rằng: "Lượng điện tiêu thụ tháng 3, tháng 4 tăng cao so với tháng 2 có 2 nguyên nhân chính: Trước hết là do tháng 3 có 31 ngày, tháng 4 có 30 ngày, nhiều hơn số ngày trong tháng 2 (chỉ 28, 29 ngày), tương ứng gần 10%. Bên cạnh đó, tháng 2 có những ngày nghỉ Tết dài ngày, nên từ cuối tháng 2 trở đi, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ mới đẩy mạnh hoạt động, nên mức sử dụng năng lượng tháng 3 tăng hơn tháng 2 trước đó. Ngoài ra, việc sử dụng thiết bị làm mát, giải nhiệt nhiều hơn, thì trong điều kiện nắng nóng, các máy lạnh sẽ làm việc với cường độ lớn hơn, nên tiêu thụ nhiều điện hơn".
So sánh sản lượng điện tháng 2 - 3 - 4
Tại buổi trao đổi với báo giới, lãnh đạo EVNHCMC cũng thông báo sẽ đảm bảo cung cấp điện trong các ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30.4 và 1.5. Theo đó, Tổng Công ty không thực hiện cắt điện công tác từ ngày 13.4 đến hết ngày 15.4 và từ ngày 27.4 đến hết ngày 1.5 (trừ các trường hợp xảy ra sự cố hoặc có yêu cầu đặc biệt khác). Các công ty điện lực khu vực, công ty Lưới điện cao thế lập phương án đảm bảo cung cấp điện cho các hoạt động chính trị, văn hóa trên địa bàn TP.HCM nhân những ngày lễ trọng đại này. Chấp hành nghiêm chế độ trực ban, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, bố trí đầy đủ vật tư, máy phát dự phòng, phương tiện và lực lượng để đáp ứng xử lý nhanh khi có sự cố xảy ra và tái lập điện trong thời gian sớm nhất, tận tâm phục vụ khách hàng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.