Thông tin trên được ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh văn phòng Sở VH-TT TP.HCM cho biết tại buổi họp báo định kỳ về kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, chiều 16.2.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hơn 2.000 tuyến đường đã được đặt tên. Trong thời gian qua, Sở VH-TT TP.HCM đã phối hợp với địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc bổ sung địa danh, tên nhân vật lịch sử, tên bà mẹ Việt Nam anh hùng… vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, địa bàn TP.HCM hiện đang có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều tuyển đường được xây mới và đưa vào sử dụng. Từ đó, một số tổ chức, đơn vị đã chủ động đặt tên đường theo số thứ tự, chữ cái A, B, C hoặc tên địa danh gắn với số thứ tự, ví dụ đường Thới An 06, Tân Thới Nhất 21, Hương Lộ 2...
Trong đề án "Công tác đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM - khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020" do Sở VH-TT TP.HCM phối hợp Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển TP.HCM thực hiện, đã nêu thực trạng trên địa bàn thành phố hiện nay có 38 tên đường không chính xác.
Thường trực UBND TP.HCM đã chỉ đạo kịp thời và đề nghị Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM thẩm định 38 tên đường không chính xác trên.
Sau quá trình thẩm định, Sở VH-TT TP.HCM, cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên và thống nhất được chia thành 3 nhóm.
Theo đó, nhóm 1 gồm 5 tên đường sai so với Quyết định đặt tên đường của UBND TP.HCM. Nhóm 2 gồm 17 tên đường sai do Quyết định của UBND TP.HCM (6 tên đường) hoặc quyết định của UBND quận, huyện (1 tên đường) hoặc lịch sử để lại (gồm 10 tên đường). Nhóm 3 gồm những tên đường là các nhân vật lịch sử gọi theo phương ngữ hoặc lệ hụy ký (gồm 16 tên đường).
Theo đại diện Sở VH-TT TP.HCM, vì các nguyên tắc và quy chế đặt tên đường, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Chính phủ có quy định: Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.
Do đó, hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo, Sở VH-TT TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các đơn vị liên quan, đồng thời lấy ý kiến của nhân dân, Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.HCM để có phương án phù hợp điều chỉnh tên đường đối với nhóm 1 và nhóm 2.
"Việc đổi tên đường là cần thiết, tuy nhiên không được tiến hành vội vàng, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân như làm lại giấy tờ, thủ tục…", đại diện Sở VH-TT TP.HCM nhấn mạnh.
Bao giờ hết "ma trận" trên đường?
Nhiều năm qua, Thanh Niên từng nhiều lần phản ánh nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị đặt sai tên, một số khác bị trùng lặp khiến người đi đường và du khách rất bối rối, khó hiểu, khó nhớ. Tuy nhiên, việc điều chỉnh đặt, đổi tên đường vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Ngày 14.2 vừa qua, tại hội thảo xây dựng WebGIS phục vụ quản lý quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng ở TP.HCM, TS Trương Hoàng Trương, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM cho rằng, thành phố có gần 400 đường trùng hoặc tên không chính xác nhân vật lịch sử, địa danh, tên không ý nghĩa và cần sửa đổi.
Theo TS Trương Hoàng Trương, các tuyến đường ở TP.HCM là mạng lưới đồ sộ, chằng chịt, nên hệ thống tên rất phức tạp. Ngoài việc thành phố có quy mô lớn, tên đường trên địa bàn còn là dấu tích lịch sử hơn 300 năm hình thành, phát triển, sau đó là tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
Trong khi đó, nhiều ý kiến của người dân cho rằng, tên đường sai, không phù hợp thì cần đổi, nhưng nó sẽ kéo theo hàng loạt rắc rối khi người dân phải làm thủ tục đổi lại giấy tờ tùy thân, nhà cửa, kinh doanh...
Bình luận (0)