Ngày 22.8, UBND TP.HCM đã có quyết định thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS từ năm học 2023-2024 đến năm học 2025-2026.
Theo đó, 641 giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS trong và ngoài công lập tại TP.HCM sẽ được nâng chuẩn. Trong đó, có 157 giáo viên mầm non, 305 giáo viên tiểu học, 179 giáo viên THCS.
UBND TP.HCM cũng quy định việc nâng chuẩn sẽ được thực hiện qua phương thức giao nhiệm vụ giữa UBND TP.HCM với Trường ĐH Sài Gòn. Trong đó, UBND TP.HCM giao Trường ĐH Sài Gòn phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn cho giáo viên bằng kinh phí của từng đơn vị theo dự toán ngân sách được phân cấp hiện hành. Riêng các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đảm bảo kinh phí để chi trả các chế độ cho giáo viên được cử đi đào tạo nâng chuẩn.
Thời gian đào tạo từ trình độ trung cấp lên đại học là 3 năm, từ trình độ cao đẳng lên đại học là 2 năm. Tổng kinh phí dự toán đào tạo nâng chuẩn cho số giáo viên trên lên đến trên 27,2 tỉ đồng.
Cũng theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến cuối năm học 2022-2023, tỷ lệ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập đạt trình độ chuẩn ở bậc mầm non là 80% (tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên). Trong đó, công lập là 94,25%, ngoài công lập là 67,9%. Số giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo ở bậc tiểu học là 78,5%, THCS là 93,2% (trình độ từ cử nhân trở lên).
Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, mục tiêu việc nâng chuẩn trình độ đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông được nâng trình độ chuẩn một cách đồng bộ theo các mục tiêu và định hướng của ngành giáo dục.
Bình luận (0)