TP.HCM đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho quận, phường

14/10/2023 07:00 GMT+7

Ngày 13.10, UBND TP.HCM sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị, 16 quận và 249 phường ở TP.HCM không còn HĐND mà chỉ có UBND.

Đại điện cho cấp phường báo cáo, ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, cho biết phường có dân số 126.000 người nhưng tổng số cán bộ, công chức và người lao động chỉ 36 người, trong đó có 22 công chức. Trung bình, mỗi công chức và người hoạt động không chuyên trách phải phục vụ từ 5.000 - 6.000 người dân. Số lượng nhân sự ít đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ được quận giao. Bên cạnh đó, khi thực hiện chính quyền đô thị, phường gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí do không còn nguồn kinh phí kết dư như trước đây. Do đó, ông Ngân kiến nghị TP.HCM xem xét bổ sung thêm kinh phí dự phòng để cấp phường chủ động trong việc trang bị cơ sở vật chất và sửa chữa hạ tầng.

TP.HCM đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho quận, phường - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại UBND P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM

Nguyên Vũ

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá sau 3 năm thực hiện đã khẳng định mô hình chính quyền đô thị là phù hợp với TP.HCM và đạt nhiều kết quả. Cụ thể, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, tổ chức bộ máy tinh gọn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được nâng lên về phẩm chất, tinh thần phục vụ, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng.

Dù vậy, mô hình vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập như số biên chế ít so với khối lượng công việc; phân cấp, phân quyền chưa triệt để; cấp quận, phường thiếu sự chủ động trong điều hành ngân sách, đầu tư, quyết định hành chính khác khi không còn là một cấp ngân sách. Khi không còn khoản kết dư ngân sách, chính quyền cơ sở mất đi tính chủ động và đôi khi còn làm mất đi động lực.

Ông Mãi đề nghị hệ thống chính quyền các cấp của TP.HCM tiếp tục chủ động khắc phục hoặc đề xuất khắc phục những bất cập đã được nhận diện nhằm xây dựng nền công vụ phục vụ và kiến tạo cho sự phát triển của thành phố. Đồng thời, xây dựng vị trí việc làm, khung năng lực cán bộ, công chức gắn với chủ trương tinh giảm biên chế. Về xây dựng chính quyền số, TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ chuyển cơ bản các hoạt động hành chính lên nền tảng số.

Bên cạnh đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu tập trung phân cấp, phân quyền từ UBND TP.HCM, sở ngành xuống quận, quận xuống phường, phường xuống công chức. Ông Mãi cũng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị để khi tổng kết 5 năm sẽ có định hướng hoàn thiện hơn, xây dựng khung pháp lý rộng hơn cho đô thị 15 - 20 triệu dân.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết buổi gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng ngày 11.10 đã thống nhất vấn đề rất cơ bản là những việc đúng quy định thì tham mưu nhanh, việc gì có quy định mà quy định chồng chéo thì nghiên cứu tất cả để vận dụng làm sao giải quyết công việc vì lợi ích chung cho tốt. Khi cấp phòng chuyển lên, lãnh đạo cấp sở xem xét, quyết định thì phải chịu trách nhiệm. Nếu lãnh đạo sở thấy còn lấn cấn, còn vướng thì trình UBND TP.HCM và Thường trực UBND TP.HCM quyết định và chịu trách nhiệm.

Ông Mãi lý giải tâm lý "e dè", "sợ sai" của cán bộ chủ yếu liên quan đến quy định pháp luật, có việc chưa có, có việc chồng chéo giữa các luật với nhau. Do vậy, lãnh đạo cấp phòng mong muốn phải hoàn thiện pháp lý, thể chế, thống nhất giữa người làm, người kiểm tra.

Ông Mãi đánh giá, khó có giải pháp nào để chấm dứt ngay tâm lý e dè, sợ sai, bởi ngay các nước phát triển, tình trạng này vẫn còn ở tỷ lệ, mức độ nhất định. Riêng TP.HCM, ông Mãi nhìn nhận, tình hình đã có nhiều cải thiện từ đầu năm đến nay, thể hiện qua khối lượng công việc khổng lồ được giải quyết, cụ thể hóa nhiều cơ chế đặc thù mà Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội cho phép.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.