TP.HCM: Đề xuất đặt tên Ba Son cho cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng dang dở

24/04/2021 09:37 GMT+7

Cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng dang dở được đề xuất đặt tên Ba Son vì gắn liền với cái nôi của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận vừa báo cáo UBND TP.HCM về việc xem xét đặt tên 4 cây cầu bắc qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Đề xuất được đưa ra sau buổi họp của Sở Văn hóa – Thể thao với Thường trực Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM hồi tháng 8.2020.
Theo đề xuất, cầu Thủ Thiêm 1 nối qua Q.Bình Thạnh đặt tên là Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 nối qua Q.1 đặt tên là Ba Son, cầu Thủ Thiêm 3 nối qua Q.4 đặt tên là Thủ Ngữ và cầu Thủ Thiêm 4 nối qua Q.7 đặt tên là Bến Nghé.
Ông Thuận cho biết sẽ sẽ tiếp tục làm việc với Hội đồng đặt, đổi tên đường và tổng hợp kết quả để UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết đặt tên cho 4 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn xem xét phương án đặt tên này.

Cầu Thủ Thiêm 1 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Q.Bình Thạnh.

Ảnh: Độc Lập

 Vì sao có tên gọi Thủ Thiêm?

Về lịch sử tên của 4 cây cầu, Sở Văn hóa - Thể thao cho biết tên gọi Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam. Đây cũng là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân và cách mạng vô sản Việt Nam, gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Tên gọi Thủ Ngữ là tên gọi tắt của cột cờ Thủ Ngữ, được xây dựng vào tháng 10.1865 tại khu ngã ba rạch Bến Nghé gặp sông Sài Gòn, đối diện bến Nhà Rồng. Cột cờ là bộ phận kỹ thuật có chức năng báo hiệu cho tàu ra vào cảng Nhà Rồng cũng là tín hiệu để tàu, bè nhận biết, tránh lạc xuống Cần Giờ hay Vũng Tàu.
Tên gọi Bến Nghé là một địa danh tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Tên gọi này để chỉ một bến thuyền ở Sài Gòn, còn là tên một rạch nước nhỏ, nơi có người qua lại tấp nập. Có một thời, nhắc đến Đồng Nai - Bến Nghé là nói đến cả vùng đất Nam Bộ.
Tên gọi Thủ Thiêm xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII; trong đó, Thủ là đồn canh dưới thời phong kiến và cũng là chức vụ để chỉ người đứng đầu một tổ chức, đơn vị hành chính. Chính quyền thời ấy đã cho lập đồn binh ở Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn. Chữ Thiêm có thể do tên người chỉ huy đồn binh thời ấy mà thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.