Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản báo cáo làm rõ và kiến nghị Chủ tịch Quốc hội ủng hộ 3 nội dung trong dự thảo nghị quyết về các cơ chế vượt trội phát triển TP.HCM.
Cụ thể, dự thảo nghị quyết quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1.8 và thực hiện trong 5 năm. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận ở hội trường và các tổ, nhiều đại biểu cho rằng TP.HCM với quy mô và các dự án thuộc dạng chiến lược, trọng điểm không chỉ của TP.HCM mà của cả nước, thì 5 năm là quá ngắn trong bối cảnh quy hoạch của các địa phương và của quốc gia đang hoàn thiện.
Do vậy, để đảm bảo đồng bộ với thời kỳ quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị Quốc hội xem xét hiệu lực nghị quyết đến cuối kỳ quy hoạch để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng những chính sách có hiệu quả.
Trong văn bản, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết số 31 năm 2022 của Bộ Chính trị đề ra, thời gian thực hiện nghị quyết mới chỉ 5 năm là tương đối ngắn trong khi số lượng công việc để triển khai rất lớn.
Cụ thể, nhiều cơ chế, chính sách cần có thời gian để triển khai, rồi mới đánh giá được đầy đủ tính hiệu quả, như các cơ chế về TOD, PPP, phát hành trái phiếu với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP.HCM được hưởng theo phân cấp...
Một số chính sách cần có sự ổn định lâu dài để có thể thu hút nhà đầu tư tham gia như ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, UBND TP.HCM đề xuất Chủ tịch Quốc hội ủng hộ sửa đổi thời gian thực hiện của nghị quyết đến năm 2030 hoặc theo hướng không quy định "cứng" thời hạn có hiệu lực là 5 năm, thay vào đó sẽ định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Quốc hội có ý kiến chỉ đạo và điều chỉnh, cập nhật bổ sung.
"Có thể xem như đây là bộ khung xuyên suốt để sàng lọc, thay thế các cơ chế thí điểm mới mà không gói gọn trong một thời gian nhất định, một nhóm cơ chế cố định. Đây cũng là cách tiếp cận mới trong tư duy thí điểm chính sách", văn bản đề xuất nêu.
Phát hành trái phiếu địa phương ra thị trường quốc tế
Đối với cơ chế huy động nguồn vốn từ trái phiếu, UBND TP.HCM viện dẫn theo luật Quản lý nợ công, việc phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế thuộc thẩm quyền Chính phủ, còn TP.HCM chỉ có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn trong nước.
Mặt khác, nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì số lượng trái chủ tiềm năng ít, lãi suất huy động cũng thường cao hơn so với các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, hiệu quả huy động thấp và chi phí huy động cao, tiềm ẩn rủi ro về lãng phí ngân sách.
Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM rất lớn. Chỉ riêng hệ thống đường sắt và xe điện công cộng, ngoài các tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về cơ bản đã hoàn thành; metro 2 (Bến Thành - Tham Lương) và metro 5 (cầu sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc mới) đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ, thì còn 9 dự án metro và 3 dự án đường sắt nhẹ với tổng vốn đầu tư dự kiến 16 tỉ USD hiện chưa xác định được nguồn vốn đầu tư.
Nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì không thể huy động được nguồn vốn lớn và rẻ để triển khai các dự án này.
Do đó, UBND TP.HCM đề xuất Chủ tịch Quốc hội xem xét và ủng hộ bổ sung cơ chế cho phép TP.HCM được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ra thị trường quốc tế để thực hiện hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo kế hoạch đến năm 2035. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) là tổ chức phát hành theo ủy quyền của UBND TP.HCM.
Làm rõ thông điệp "mời gọi" thay vì "lựa chọn"
Đối với cơ chế ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến băn khoăn về việc sử dụng ngân sách TP.HCM từ nguồn chi thường xuyên để hỗ trợ một phần chi phí dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược.
Về vấn vấn đề này, UBND TP.HCM cho biết đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất, nhất là các lĩnh vực như công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, vật liệu mới, pin công nghệ mới, công nghiệp năng lượng sạch.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo quy trình thông thường thì các tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ bỏ lỡ dự án tốt.
Quy trình hiện hành cũng không tạo thông điệp Việt Nam "mời gọi" nhà đầu tư, mà chỉ là đang "lựa chọn" nhà đầu tư theo các phương thức đấu giá, đấu thầu. Do đó, cần có một cơ chế đặc biệt, linh hoạt để thể hiện rõ thông điệp "mời gọi" nhà đầu tư.
Bình luận (0)