TP.HCM đề xuất tăng tiền ăn bán trú, thêm một số khoản thu

14/06/2024 05:43 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM đang triển khai dự thảo về các khoản thu đến các trường từ mầm non đến THPT công lập, các phòng GD-ĐT để lấy ý kiến.

Đây sẽ là cơ sở tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM và trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi cho năm học 2024 - 2025.

TP.HCM đề xuất tăng tiền ăn bán trú, thêm một số khoản thu- Ảnh 1.

Dự kiến sẽ tăng tiền ăn bán trú trong năm học 2024 - 2025

HUYỀN TRÂN

NHỮNG VƯỚNG MẮC TỪ THỰC TẾ

Năm học 2023 - 2024 đã kết thúc, đồng thời Nghị quyết 04 của HĐND TP.HCM quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục công lập như tiền học bán trú, tiền bữa ăn bán trú... cũng hết hiệu lực.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các địa phương, việc tổ chức triển khai và giám sát thực hiện Nghị quyết 04 trong năm học 2023 - 2024 đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo phụ huynh học sinh và người dân.

Trưởng phòng GD-ĐT tại khu vực nội thành nhìn nhận đây là cơ sở để các trường triển khai thực hiện các khoản thu đảm bảo công khai, minh bạch; đảm bảo việc tổ chức thực hiện các khoản thu trong nhà trường được thống nhất. Từ đó sẽ tránh tình trạng lạm thu và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, có một số khoản thu hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án chưa phù hợp với danh mục mã ngành tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg; các khoản thu tiền mua sắm đồng phục học sinh, tiền học phẩm, học cụ, học liệu… chưa phù hợp với quy định tại luật Giá.

Trong quá trình tổ chức thực hiện các khoản thu, phát sinh các khoản thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trên cơ sở nghiên cứu các quy định tại luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế TNDN và các văn bản có liên quan, Sở GD-ĐT đã có công văn trao đổi với Cục Thuế TP và nhận được phản hồi. Tuy nhiên, một số khoản thu vẫn phải chịu thuế TNDN. Căn cứ Nghị quyết 04, các cơ sở giáo dục công lập chỉ được thực hiện mức thu không vượt quá mức tối đa quy định tại nghị quyết, do đó chi phí thuế cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ. Hiện nay, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú, nước uống, nghỉ ngơi… của học sinh nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục, phụ huynh và dư luận xã hội.

Ngoài ra, do ảnh hưởng biến động của giá cả thị trường nên khung một số mức thu không còn phù hợp và không đủ đảm bảo chất lượng hoạt động như tiền bữa ăn trưa bán trú.

SẼ TĂNG 5.000 ĐỒNG TIỀN ĂN BÁN TRÚ

Theo dự thảo, các khoản thu và mức thu của năm học 2024 - 2025 được xác định mức thu đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình và thu nhập của người dân trên cơ sở nhu cầu của người học, phù hợp với điều kiện thực tế của TP.

Trong đó, điều chỉnh khoản thu bữa ăn bán trú từ 35.000 đồng/suất ăn/ngày lên 40.000 đồng/suất ăn/ngày, tăng 5.000 đồng so với năm học 2023 - 2024 do giá cả thị trường và đảm bảo chất lượng bữa ăn.

TP.HCM đề xuất tăng tiền ăn bán trú, thêm một số khoản thu- Ảnh 2.

Dự thảo các khoản thu trong năm học 2024-2025 còn có dịch vụ hoạt động giáo dục ôn thi tốt nghiệp đối với học sinh THPT (ngoài khung thời gian năm học): 15.000 đồng/học sinh/tiết

ĐÀO NGỌC THẠCH

Là đơn vị trực tiếp thực hiện các khoản thu, mức thu, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết: Trước năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nguyễn Du và các trường công lập của Q.1 đã áp dụng tiền ăn bán trú là 40.000 đồng/ngày. Khi thực hiện theo nghị quyết thì mức thu còn 35.000 đồng/ngày, tức giảm 5.000 đồng/ngày so với mức thu của trường trước đây. Chính vì vậy, các trường phải cân đối và cắt giảm một số món ăn để phù hợp. Trong khi đó, phụ huynh mong muốn và sẵn sàng đóng số tiền như trước để bữa ăn trong trường cho các con được phong phú, đa dạng; tuy nhiên nhà trường không thể đáp ứng được yêu cầu này. Từ đó, bà Trang đồng tình với điều chỉnh tiền ăn bán trú quy định trong nghị quyết có thể giúp các trường tháo gỡ những khó khăn, đồng thời cũng có điều kiện để chăm lo, chăm sóc cho học sinh tốt hơn trước.

Còn hiệu trưởng một trường THCS tại Q.5 cho hay với bữa ăn bán trú, an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, các trường phải chọn các đơn vị cung cấp và chế biến thực phẩm được cơ quan quản lý cấp giấy phép chứ không thể tự mua không có nguồn gốc. Chính vì vậy, giá cung cấp sẽ cao hơn so với nơi cung cấp tự phát. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả luôn biến động theo chiều hướng tăng thì việc điều chỉnh tiền ăn bán trú là cần thiết.

Theo vị hiệu trưởng này, 40.000 đồng được coi là mức tối đa và tùy vào tình hình thực tế có thể các trường quyết định mức thu khác nhau chứ không phải đồng loạt tăng tối đa. Chẳng hạn, với các trường ở khu vực nội thành có mức giá cao hơn ngoại thành thì có thể thu tối đa hoặc những trường ở khu vực mà chi phí thực phẩm, nhân công, điều kiện di chuyển thấp hơn thì thu mức tiền thấp hơn.

Ông Hứa Thiện Vương, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cũng nhìn nhận nghị quyết quy định cụ thể các mức thu giúp phụ huynh phần nào bớt lo lắng về các khoản thu hằng tháng. Tuy nhiên, mức thu tiền ăn bán trú 35.000 đồng với giá cả hiện nay thì chưa phù hợp, phụ huynh đều mong muốn được điều chỉnh mức thu này. Trong năm học vừa qua, gần như buổi họp phụ huynh nào cũng nhận được đề xuất tăng mức thu tiền ăn bán trú. Vì vậy, đề xuất tăng là cần thiết để các trường có thể đa dạng bữa ăn, món ăn cho học sinh hơn.

Ngoài ra, trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cũng tổ chức các buổi giám sát tại một số trường công lập ở các khu vực để lắng nghe ý kiến từ nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 04. Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết có nhiều ý kiến liên quan đến đề xuất tăng mức tiền ăn bán trú.

Theo ông Bình, mức thu 35.000 đồng/suất được ban hành sau khi khảo sát nhiều khu vực. Tại thời điểm đó, mức thu trên phù hợp với toàn TP, và nghị quyết ban hành không chỉ áp dụng ở Q.1, Q.3 mà còn phải thực hiện toàn TP. Tuy nhiên sau khi triển khai, có ý kiến cho rằng biên độ các mức thu cần rộng hơn để tạo thuận lợi cho các trường. "Vấn đề này thỏa đáng, chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ làm việc với các sở, ngành", ông Cao Thanh Bình nói.

Theo quy trình, sau khi các địa phương đóng góp ý kiến, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu và UBND TP sẽ trình HĐND TP trong kỳ họp định kỳ vào tháng 7 để ban hành nghị quyết quy định các khoản thu áp dụng cho năm học 2024 - 2025.

Bổ sung một số khoản thu

Trong dự thảo các khoản thu thực hiện trong năm học 2024 - 2025 của Sở GD-ĐT có nội dung điều chỉnh học phí trường thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế".

Theo đó, căn cứ tình hình thực tiễn, xây dựng mức thu bảo đảm nguyên tắc bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý. Lộ trình thu phải được xác định cụ thể phù hợp cấp học, việc điều chỉnh mức thu (nếu có) để thực hiện mục tiêu tiến tới tự chủ tài chính phải được xây dựng cuốn chiếu theo từng năm học, bắt đầu từ các lớp đầu cấp và ổn định đối với từng khóa học, tỷ lệ tăng mức thu dịch vụ không quá 15%/năm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đồng thời, bổ sung một số khoản thu như: Dịch vụ hoạt động giáo dục ngoại ngữ, tin học theo chuẩn đầu ra các chứng chỉ quốc tế (do các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trực tiếp thực hiện): 400.000 đồng/học sinh/tháng.

Dịch vụ hoạt động giáo dục ôn thi tốt nghiệp đối với học sinh THPT (ngoài khung thời gian năm học): 15.000 đồng/học sinh/tiết.

Bổ sung nội dung chi phí thuê máy lạnh cấu thành vào khoản thu "Dịch vụ sử dụng máy lạnh của lớp học có máy lạnh" và điều chỉnh tăng mức thu tối đa từ 50.000 đồng/học sinh/tháng lên 110.000 đồng/học sinh/tháng. Cụ thể: Mức thu tối đa 50.000 đồng/học sinh/tháng đối với những lớp đã được trang bị sẵn máy lạnh và tối đa 110.000 đồng/học sinh/tháng đối với những lớp có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có máy lạnh, phải đi thuê…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.