TP.HCM đổi mới việc đặt tên đường

13/07/2020 05:37 GMT+7

Năm 2020, việc đặt - đổi tên đường ở TP.HCM được chuẩn bị công phu và đặc biệt có sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương nên đã nhận được đồng thuận nhanh chóng của đại biểu HĐND TP.HCM khi thông qua các tên đường vào chiều 11.7.

Từ những đổi mới trong cách làm của TP.HCM, không chỉ có Đức Tả quân Lê Văn Duyệt mà các nhân vật lịch sử khác như: An Tư Công chúa, Tinh Thiều, Bạch Đông Ôn, Đặng Đình Tướng, Dương Thanh, Lưu Đình Lễ... cũng được đặt tên đường một cách xứng đáng.

Người Sài Gòn nghĩ gì về cách đặt tên đường hiện nay?

Tôn vinh tiền nhân từ triều Lý Nam Đế

Theo Sở VH-TT TP.HCM, cơ quan thường trực Hội đồng đặt - đổi tên đường TP.HCM, thì việc đề xuất đặt mới cho 44 tuyến đường và đổi tên một đoạn đường lần này trải dài trên các địa bàn: Q.2, Q.3, Q.7, Q.9, Q.12, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, Q.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Củ Chi..., đáp ứng đúng các quy định, trong đó toàn bộ đường đều có chiều dài hơn 200 m, lộ giới tối thiểu 12 m. Trong số các đường dự kiến đặt tên mới có tên những tiền nhân nổi tiếng từ năm 546 như Tinh Thiều (triều Lý Nam Đế) hay An Tư Công Chúa (từ thế kỷ thứ 13). Hai nhân vật này lần lượt được gắn tên cho hai đoạn đường ở Q.2 là D3 (từ giao lộ đường 7 - BK đến đường 8 - BK) và D1 (từ giao lộ Mai Chí Thọ đến Lương Định Của), dù có thể ít người biết tới họ.
Theo quốc sử của triều Lý Nam Đế (Lý Bôn) thì Tinh Thiều rất giỏi việc chính trị, nhiều mưu lược. Khi hay tin Lý Bôn khởi nghĩa, ông theo giúp. Năm 541, khởi nghĩa thành công, ông là một tướng văn được Lý Nam Đế hết mực trọng vọng, xem như bậc thầy và ông đã dốc hết lòng hết sức giúp nhà Lý thu phục lòng dân, giữ yên bờ cõi. Còn công chúa An Tư, dù không biết rõ năm sinh, năm mất của công chúa, chỉ biết bà là một trong hai vị công chúa nổi tiếng nhất thời Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính trọng đại, cùng với Huyền Trân công chúa.
Cụ thể tháng chạp năm Giáp Thân (1284), vua nhà Nguyên sai thái tử Thoát Hoan làm Trấn Nam Vương đem 50 vạn quân đánh tiếng mượn đường sang Chiêm thành để đánh chiếm nước ta. Quân giặc lần lượt chiếm các ải Vĩnh Châu, Nội Bàn, Thiết Lược, Chi Lăng..., nên quân ta đành phải rút về Vạn Kiếp. Đầu năm 1285, tướng Nguyên Mông Ô Mã Nhi đánh vào xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Tiếp đến, quân giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn rồi Đông Bộ, đối mặt với thành Thăng Long. Nhằm làm chậm bước chân của quân giặc, vua Trần Thánh Tông phải thuyết phục công chúa An Tư là em gái hy sinh bản thân cho lợi ích của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông bằng việc gả nàng cho Thoát Hoan để cầu hòa nhằm có thời gian củng cố lực lượng.
Ngoài ra, lần này nhà văn hóa Đặng Đình Tướng (1649 - 1736) đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ năm 1670; danh sĩ thời Bắc thuộc Dương Thanh - Thứ sử Hoan Châu (khoảng năm 713 - 741) từng dấy binh chống đối nhà Đường; Bạch Đông Ôn - một danh sĩ triều Nguyễn đậu tiến sĩ làm quan đến Lang Trung và Tri huyện Bình Long đầu tiên Lưu Đình Lễ... cũng được đề xuất đặt tên đường ở Q.2.

Chuyện lạ lùng: Tên lửa, kênh nước, cột điện cũng thành tên đường

Đến nhân vật tranh cãi Lê Văn Duyệt

Tả quân Lê Văn Duyệt là võ tướng vào năm Gia Long nguyên niên (1802), hai lần là Tổng trấn thành Gia Định thời Gia Long (1812 - 1815) và Minh Mạng (1820 - 1832). “Nếu Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, xác lập vùng đất này vào địa lý hành chính nước ta thì Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam. Năm 1819, ông dâng sớ xin vua Gia Long cho đào kênh Vĩnh Tế nối liền Châu Đốc với vịnh Thái Lan phục vụ cho nhu cầu quân sựphát triển kinh tế. Dân gian từ xưa đến nay đều xem ông như phúc thần và tế lễ ông tại lăng theo nghi lễ thờ thần”, văn bản của Sở VH-TT TP.HCM lý giải việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt.
Đường được chọn đổi thành tên Tả quân Lê Văn Duyệt là một đoạn của đường Đinh Tiên Hoàng (từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh) dài 947 m. Tuy có nhiều công lao to lớn, có vị trí quan trọng trong lịch sử nhưng xung quanh nhân vật Lê Văn Duyệt vẫn còn nhiều tranh cãi, bởi ông theo vua Gia Long đánh lại nhà Tây Sơn. Do đó, Hội đồng đặt tên đường TP.HCM phải họp nhiều lần, thậm chí thành viên Lê Tú Lệ còn đề nghị: “Tờ trình phải nêu rõ công trạng, phân tích những băn khoăn không đúng về cụ; chuẩn bị các cơ sở để trả lời các thông tin sai lệch này”; đồng thời UBND TP.HCM còn gửi văn bản tham khảo ý kiến của Bộ VH-TT-DL. Bên cạnh đó, UBND Q.Bình Thạnh còn tổ chức lấy ý kiến công khai các tổ chức Đảng, đoàn thể; tiếp nhận đóng góp của Hội Di sản văn hóa TP.HCM và cộng đồng cư dân sống hai bên tuyến đường... Nhờ nhận được sự đồng thuận cao nên khi đưa ra kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 9 chiều 11.7, việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt đã được thông qua nhanh chóng.
Ghi nhận những đổi mới minh bạch, dân chủ của TP.HCM trong việc đặt tên đường lần này, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười khẳng định: “Tôi đánh giá cao sự lắng nghe ý kiến người dân, đặc biệt là những nhân sĩ trí thức, từ các cấp ngành và lãnh đạo TP.HCM. Nhờ vậy mà nhiều tên tuổi lớn của lịch sử, có công lớn với đất Sài Gòn - Gia Định xưa chuẩn bị được tôn vinh một cách rất xứng đáng. Đặc biệt tên đường ở TP.HCM, theo tôi không thể thiếu 3 vị danh tướng thời Nguyễn - Gia Định tam hùng là Võ Tánh, Châu Văn Tiếp và Đỗ Thanh Nhơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.