Cụ thể, UBND TP giao Sở GTVT sớm nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; Xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí để xác định mức độ ưu tiên đầu tư đối với các dự án giao thông, chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai, đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao rà soát cơ chế chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ đó, hướng dẫn UBND các quận, huyện tháo gỡ các thủ tục còn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các dự án đang triển khai.
Song song, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần điều chỉnh lại các quy hoạch đã ban hành phù hợp với thực tế và đồng bộ với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 liên quan đến các dự án trình chủ trương đầu tư công và nghiên cứu quy hoạch tạo quỹ đất gắn với các dự án giao thông theo hình thức TOD.
Về phía Sở Tài chính, cần tiếp tục hoàn thiện đề án tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP giai đoạn 2021 - 2030 để kiến nghị Trung ương chấp thuận nhằm tăng nguồn thu hàng năm của TP, phục vụ chi cho đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát các quy định liên quan đến Nghị quyết số 54 của Quốc hội, nghiên cứu các cơ chế hút vốn, cơ chế quản lý đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; xin ý kiến các Bộ - ngành, Chính phủ đối với các trường khó khăn vượt thẩm quyền, quy định còn bất cập chưa được pháp luật điều chỉnh; hoàn thiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công các dự án.
Đồng thời, Ban Giao thông cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dở dang, tăng cường công tác vận động nhân dân trong thực hiện bàn giao mặt bằng; Thực hiện công tác quản lý, giám sát nhà nước các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Theo các chuyên gia, nếu nhanh chóng được triển khai, các dự án xây dựng hạ tầng, giao thông sẽ là “liều vắc xin” giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động “ngốn” nhiều lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng. Khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường.
Bình luận (0)