Cụ thể, ngày 18.8 có 3.731 ca nhiễm thì có khoảng gần 2.850 ca cộng đồng. Trước tình hình này, TP.HCM đưa ra nhiều biện pháp nhằm kéo giảm số ca nhiễm theo đề nghị của Bộ Y tế để phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước 15.9.
Nguy cơ lây nhiễm từ tập trung đông người
Về số ca nhiễm trong cộng đồng tăng những ngày gần đây, TP.HCM nhìn nhận có thể xuất phát từ sự chủ quan, tập trung đông ở khu vực tiêm vắc xin và ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát. Vậy thực tế như thế nào? Theo ghi nhận, nhiều quận thực hiện nghiêm, đúng quy trình để tránh lây nhiễm. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các trường hợp không bảo đảm nguyên tắc 5K khi tiến hành tiêm chủng. Chiều 18.8, tại điểm tiêm ngừa vắc xin Covid-19 ở sân vận động Gia Định (Q.Bình Thạnh), PV Thanh Niên ghi nhận cả trăm người ngồi chờ đến lượt tiêm. Mặc dù đã thông báo việc người dân từng tổ, khu dân phố đến chờ tiêm theo khung giờ cụ thể, nhưng từ chiều đã có rất đông người dân tập trung. Theo quan sát, người dân được sắp xếp ghế ngồi với khoảng cách từ 1 m, trải dài phía trước sân vận động, tuy nhiên nhiều người vẫn cố tụ tập nói chuyện khi chờ đợi đến lượt tiêm.
|
Chiều cùng ngày, ghi nhận tại chốt kiểm soát Covid-19 giao lộ Phan Đăng Lưu - Lam Sơn (Q.Phú Phuận), lượng người dừng tại chốt đông đúc, thường trực nguy cơ lây nhiễm cao. Tổ công tác yêu cầu người đi đường xuất trình giấy thông hành còn thời hạn và lộ trình di chuyển. Theo một cán bộ kiểm soát tại chốt, lượng phương tiện ra đường những ngày gần đây đang tăng và xảy ra tình trạng đông đúc đặc biệt vào khung giờ sáng sớm và chiều tối trước 18 giờ. Mặc dù việc tập trung đông đúc lượng phương tiện cùng lúc tại chốt gây nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên công tác xử lý tại chốt vẫn phải triển khai, tổ công tác liên tục nhắc nhở người dân giữ khoảng cách và xịt khuẩn khi làm việc. Đến 17 giờ cùng ngày theo quan sát của PV, lượng phương tiện lưu thông trên đường đông đúc hơn những ngày trước, trong đó các chốt như Phan Đăng Lưu, Bạch Đằng có lượng phương tiện dồn đông tại chốt.
Về vấn đề này, thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, thời gian qua, mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người ra đường cùng với 120.000 phương tiện. Dự báo thời gian tới lượng người ra đường còn đông hơn vì từ ngày 16.8, TP.HCM đã mở rộng thêm một số nhóm đối tượng được ra đường. Trước tình hình này, Công an TP sẽ tiếp tục tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác tuần tra, chốt chặn, kiểm soát, không để ùn tắc giao thông và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Số ca trong cộng đồng tăng do tăng cường xét nghiệm
Bên cạnh đó, theo Sở Y tế thì nguyên nhân số ca nhiễm trong cộng đồng tăng là do tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư. Sở này cho rằng theo Kế hoạch số 2715 ngày 15.8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với mục tiêu thực hiện xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời người bệnh Covid-19 để điều trị, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” và mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn. Theo đó từ ngày 15 - 22.8 là giai đoạn giải phóng vùng sạch dịch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỷ lệ nhiễm cao. Ngành y tế dự báo số ca F0 có thể tăng nhẹ trong giai đoạn này do tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng dân cư để sàng lọc, bóc tách tất cả các trường hợp F0 (cụ thể ngày 17.8 đã có 1.435 trường hợp F0 phát hiện trong cộng đồng)
Để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu yêu cầu việc tổ chức lấy mẫu phải có sự tham gia của tổ trưởng hoặc tổ phó dân phố, ban điều hành khu phố. Địa điểm lấy mẫu phải phù hợp, có thể lấy mẫu tại hộ gia đình hoặc tại một vị trí thuận lợi, mời lần lượt từng hộ gia đình ra lấy mẫu, tuân thủ đầy đủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Việc lấy mẫu sẽ do đội lấy mẫu của địa phương thực hiện, nếu người dân có thể tự lấy mẫu thì nhân viên y tế cung cấp dụng cụ lấy mẫu, hướng dẫn cách thực hiện và thu thập ngay kết quả. Người lấy mẫu phải thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo công tác vệ sinh khử khuẩn, đặc biệt là phải thay găng tay hoặc sát khuẩn găng tay khi lấy mẫu. UBND TP.HCM cũng yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức huy động thêm nhân lực là tình nguyện viên để tổ chức tập huấn cách lấy mẫu cũng như hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại hộ gia đình.
Triển khai túi thuốc và túi an sinh ra sao?
Một trong những giải pháp tránh có thêm F0 trong cộng đồng là giúp F0, F1 cách ly tại nhà yên tâm tuân thủ quy định cách ly. Trong buổi làm việc với TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị khi phát hiện F0 thì tổ chức khoanh luôn ngôi nhà đó, phát túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần cho người bệnh. Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều địa phương cho biết cả túi thuốc và túi an sinh đều đã được triển khai trước đó ở những hình thức khác nhau, nay Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể thì việc triển khai sẽ thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, cho rằng trước đây, các F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà thì người nhà sẽ chủ động mua lương thực, thực phẩm dự trữ, phường hỗ trợ thêm từ các nguồn vận động, nhà hảo tâm ủng hộ, còn thuốc chữa bệnh thì ngành y tế lo. Bây giờ Bộ Y tế và Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn thì phường chuẩn bị sẵn và chỉ đến đưa một lần mỗi tuần, cùng với sự giám sát của Tổ Covid-19 cộng đồng và hàng xóm nên lực lượng của phường sẽ đỡ cực hơn. Khi cần hỗ trợ về sức khỏe, người dân gọi điện qua đường dây nóng báo lên thì nhân viên y tế của phường sẽ xuống thăm khám. Ông Tuấn cho hay tổ phản ứng nhanh của phường được cấp 6 bình ô xy lớn, mỗi bình có thể dùng nhiều lần, nhiều ngày; khi hết thì mang bình lên bệnh viện của TP đổi ngay.
Tương tự, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh cho hay toàn quận có hơn 400 F0 đang cách ly tại nhà và từ ngày 17.8, quận đã phát túi thuốc an sinh theo hướng dẫn của Sở Y tế đến các F0 trên địa bàn. Từ tuần trước, quận cũng phối hợp với Hội Đông y Q.Gò Vấp hỗ trợ thêm thuốc xông, thuốc tăng cường sức đề kháng cho F0 đang cách ly tại nhà, lượng thuốc đông y đủ dùng trong 1 tuần. Riêng túi an sinh cho F0 tại nhà thì đang lên kế hoạch triển khai; hiện mới cấp túi an sinh cho các gia đình khó khăn, lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngày 18.8, Sở Y tế có tờ trình UBND TP.HCM về việc cung ứng cơ số thuốc cho người mắc Covid-19 (F0) không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Theo Sở Y tế, số ca F0 hiện tại và dự kiến số ca F0 trong 1 tháng tới là 182.408 ca.
Do đó, số túi thuốc cần cung ứng 182.408 túi. Mỗi túi thuốc gồm 4 thuốc với số lượng dùng cho 7 ngày. Ước tính kinh phí mua 182.408 túi thuốc là gần 54 tỉ đồng (295.246 đồng/túi thuốc). Sở Y tế đề xuất các phương án mua thuốc như sau: Nếu nguồn kinh phí từ nguồn hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp thì giao cho công ty, doanh nghiệp tài trợ thực hiện mua thuốc theo cơ số đã đề xuất.
Phòng Nghiệp vụ dược sẽ hỗ trợ các thông tin về nhà cung cấp thuốc theo đúng quy định. Nếu nguồn kinh phí từ ngân sách phòng chống dịch thì giao cho Bệnh viện Nhân dân Gia định tổ chức việc mua sắm thuốc theo đúng quy định và phân chia thành các túi thuốc để giao cho trung tâm y tế TP.Thủ Đức và các quận, huyện để phân phát cho các ca F0 cách ly tại nhà trên địa bàn.
Do khả năng cung cấp của nhà phân phối không thể đáp ứng cùng một lúc với số lượng lớn, nên dự kiến nhà phân phối sẽ cung cấp cơ số thuốc theo từng đợt. Đợt 1 giao ngay 30.000 túi thuốc; đợt 2 giao 50.000 túi thuốc và đợt 3 giao 50.000 túi thuốc… cho đến khi đủ nhu cầu thực tế của các đơn vị.
|
Theo ông Ngọc Anh, túi an sinh cho F0 sẽ có 2 cách hỗ trợ, nếu gia đình F0 có điều kiện và không cần hỗ trợ từ chính quyền thì phường và Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ đi chợ thay, mua lương thực, thực phẩm và đồ thiết yếu cho gia đình đủ sử dụng một tuần; nếu gia đình nào không có điều kiện thì Trung tâm an sinh của quận sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 1 tuần hoặc lâu hơn. Liên quan đến cung cấp ô xy cho các tổ phản ứng nhanh của phường, theo ông Ngọc Anh, 16 phường trên địa bàn quận đều có tổ phản ứng nhanh, được cung cấp bình ô xy lớn nhỏ đảm bảo phục vụ công tác sơ cấp cứu. Ngoài ra, quận cũng kết hợp với chương trình “ô xy yêu thương” của một tổ chức hỗ trợ, có lực lượng tình nguyện túc trực đường dây nóng đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh khi F0 điều trị tại nhà cần hỗ trợ.
Bình luận (0)