TP.HCM đột phá với trung tâm hành chính công một cấp

27/09/2024 04:15 GMT+7

Sắp tới, người dân TP.HCM có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính không phụ thuộc địa giới hành chính mà chỉ cần chọn lựa điểm tiếp nhận thuận lợi nhất.

Phi địa giới là từ khóa chủ đạo trong đề án thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề sáng nay (27.9). TP.HCM cùng với Hà Nội, Bình DươngQuảng Ninh là 4 địa phương được Chính phủ giao thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh.

Bước đi tất yếu

Theo UBND TP.HCM, việc thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công (gọi tắt trung tâm) là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ mô hình Bộ phận một cửa hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới. Trung tâm hướng đến chuyên nghiệp hóa bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả TTHC; tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và không phân biệt địa giới hành chính khi nộp hồ sơ.

TP.HCM đột phá với trung tâm hành chính công một cấp- Ảnh 1.

Với mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp tại TP.HCM, bộ phận một cửa tại UBND các quận, huyện chuyển thành chi nhánh của trung tâm

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đánh giá việc hình thành cơ quan chuyên trách về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC phù hợp với xu hướng quốc tế, khu vực, trong nước. Trung tâm này giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM. Mặt khác, việc ra đời của trung tâm cũng kỳ vọng góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình bộ phận một cửa truyền thống, giải quyết tình trạng "ách tắc" hồ sơ lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng; qua đó cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công...

Hiện toàn TP.HCM có 352 bộ phận một cửa, gồm 18 cấp sở, 22 cấp huyện và 312 cấp xã với tổng nhân sự tính đến ngày 26.8 là 2.558 công chức, viên chức. Trung bình bộ phận một cửa cấp sở bố trí 15 - 17 người, UBND cấp huyện từ 10 - 12 người, còn UBND cấp xã từ 6 - 7 người. Tại UBND cấp huyện, cấp xã, có những lĩnh vực có phát sinh hồ sơ giải quyết TTHC nhưng số lượng hồ sơ không nhiều hoặc hồ sơ phát sinh theo đợt dẫn đến thực trạng vừa thừa, vừa thiếu trong việc bố trí cán bộ, cơ sở vật chất tại bộ phận một cửa và phòng chuyên môn. Cụ thể, thừa khi bố trí cán bộ tiếp nhận mà số lượng hồ sơ phát sinh không nhiều, còn thiếu trong giải quyết công việc của phòng chuyên môn.

Tính đến tháng 9.2024, TP.HCM đã công bố 1.843 TTHC. Lãnh đạo văn phòng UBND một quận trung tâm cho biết có thủ tục thường xuyên phát sinh hồ sơ như hộ tịch, hoạt động DN, xây dựng, đất đai; nhưng cũng có thủ tục phát sinh theo chu kỳ nhiều năm một lần. Một số thủ tục khác, địa phương này có nhưng địa phương khác không có hoặc rất ít như thủ tục xác nhận sử dụng đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đối với khu vực trung tâm, ước tính khoảng 30 - 35% tổng số TTHC phát sinh hồ sơ thường xuyên.

Ra mắt trong tháng 10.2024

Về vị trí pháp lý, trung tâm là cơ quan hành chính thuộc UBND TP.HCM, tương đương cấp sở, trụ sở đặt tại 86 Lê Thánh Tôn (P.Bến Nghé, Q.1). Trung tâm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết TTHC kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống nền tảng dùng chung.

Đề án thành lập trung tâm đã nhận được sự chấp thuận của Ban Cán sự Đảng UBND, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy TP.HCM. Nếu được HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp, trung tâm dự kiến ra mắt đầu tháng 10.2024, vận hành theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 10 đến hết tháng 12.2024, trung tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự, sửa chữa trụ sở, trang thiết bị, ban hành quy trình, việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ như hiện tại. Giai đoạn 2 từ ngày 1.1.2025 - 31.12.2025, tiếp nhận hồ sơ tại chi nhánh trung tâm, 22 chi nhánh quận, huyện, TP.Thủ Đức, 18 điểm tiếp nhận cấp sở và 312 điểm cấp xã.

Giai đoạn 3 từ ngày 1.1.2026 đến hết năm 2026, trung tâm sẽ tinh gọn, giảm cấp trung gian, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả đa ngành, đa lĩnh vực, không phụ thuộc địa giới hành chính, không thuộc cấp hành chính. Ở giai đoạn này, số điểm tiếp nhận giảm còn 140 điểm tại các phường, xã, thị trấn thuộc TP.Thủ Đức, 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) và 4 quận (7, 12, Bình Tân, Gò Vấp), không còn điểm tiếp nhận cấp sở.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết mô hình Trung tâm hành chính công được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và mở rộng xuống cấp huyện. Riêng TP.HCM không tổ chức trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện mà tổ chức theo mô hình bộ phận một cửa tại các sở ngành, UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Từ tháng 11.2023, Trung tâm hành chính công TP.Thủ Đức chính thức hoạt động theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ông Hoan cho biết về bản chất, đây là trung tâm phục vụ hành chính công, được UBND và Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức ủy quyền thêm một số nhiệm vụ giải quyết TTHC. Theo đó, Giám đốc Trung tâm hành chính công TP.Thủ Đức được quyền ký khoảng 100 loại hồ sơ theo ủy quyền.

Không tăng biên chế

TP.HCM đột phá với trung tâm hành chính công một cấp- Ảnh 2.

Về điểm khác biệt của Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh đây là trung tâm phục vụ hành chính công một cấp, tức toàn TP.HCM chỉ có một trung tâm. "Theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư, trung tâm phục vụ hành chính công một cấp thì người dân ở đâu cũng được phục vụ chứ không phải ở nơi nào thì về nơi đó", ông Hoan cho biết.

Về tổ chức bộ máy và biên chế, mô hình này không tăng thêm biên chế, hướng đến tinh gọn bộ máy tại một số cơ quan hành chính. Cụ thể, các sở sẽ không còn bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính mà chuyển về chi nhánh trung tâm. Các chi nhánh ở quận, huyện và TP.Thủ Đức có thể xem xét thành lập từng nhóm, từng khu vực, chứ không phải tất cả các địa phương đều phải có chi nhánh.

Dù mục tiêu đặt ra là người dân có thể nộp hồ sơ ở bất kỳ điểm tiếp nhận nào, nhưng theo Phó chủ tịch Võ Văn Hoan, TP.HCM sẽ đưa ra một số quy tắc. Cụ thể, người dân ở đâu sẽ được phục vụ hành chính ở đó như lâu nay, người dân ở phường nào thì ra phường, quận đó làm hồ sơ. Trong những trường hợp đặc biệt, người dân có thể nộp cơ quan hành chính khác, không phải mất công về nơi ở hiện tại. Để tránh xáo trộn lớn, TP.HCM sẽ đưa ra danh mục những thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, có thể tiếp nhận ngay. Còn những thủ tục rườm rà, có nhiều thành phần hồ sơ thì vẫn tiếp nhận giống như trước.

Trong quá trình hoạt động có thể phát sinh vướng mắc, ông Hoan cho biết sẽ giải quyết thông qua cơ chế quản lý của trung tâm, cơ chế phối hợp với các địa phương, các ngành. "Việc thành lập trung tâm phải từng bước, cẩn trọng và không được xảy ra sai sót vì tác động đến người dân", ông Hoan nhìn nhận.

Thực tế từ tháng 6.2022 đến nay, người dân TP.HCM đã có thể làm hồ sơ không phụ thuộc địa giới hành chính đối với thủ tục cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con. Sự thuận lợi trên đến từ nỗ lực số hóa khoảng

12 triệu hồ sơ của 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con. Toàn bộ sổ hộ tịch số hóa được đồng bộ với CSDL hộ tịch của Bộ Tư pháp. Người dân không phải mất thời gian về nơi cư trú trước đây hoặc nơi đăng ký trích lục mà có thể đến bất kỳ phường, xã nào tại TP.HCM để trích lục.

Theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư, trung tâm phục vụ hành chính công một cấp thì người dân ở đâu cũng được phục vụ chứ không phải ở nơi nào thì về nơi đó.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Mô hình tiên phong

TP.HCM đột phá với trung tâm hành chính công một cấp- Ảnh 3.

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Với quyết tâm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công, TP.HCM sẽ là một trong số ít địa phương trên cả nước tạo cơ chế, mô hình thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số qua việc thực thi chính quyền số trong mối quan hệ tương tác với người dân và DN. Theo cá nhân tôi, mô hình này có sự tham khảo một số nước tiên tiến như Singapore, Pháp, Nga, đồng thời vận dụng sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn của TP.HCM. Trung tâm hoạt động theo 3 giai đoạn là lộ trình, bước đi phù hợp, tránh tạo "cú sốc" hoặc gây ra những xáo trộn trong quá trình triển khai.

Việc nộp hồ sơ không phụ thuộc địa giới hành chính giúp người dân thuận lợi là một trong những mục tiêu quan trọng. Mục tiêu này khả thi bởi trung tâm vận hành trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, tích hợp với CSDL quốc gia và TP.HCM. Mặt khác, mô hình vẫn tích hợp kế thừa sử dụng các nền tảng, nhân sự và kinh nghiệm của các "bộ phận một cửa" hiện nay ở cả 3 cấp, từng bước tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế dần theo 3 giai đoạn. Cách triển khai này sẽ thuận lợi, khả thi, tạo thành thói quen cho cán bộ, người dân trong tương tác với chính quyền số ở mức cao dần, tạo điều kiện ổn định, giúp TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.

Để mô hình này hiệu quả, TP.HCM cần truyền thông rộng rãi, chi tiết đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, DN để tạo sự hưởng ứng và tăng cường nhận thức, tổ chức thực hiện thuận lợi cho người dân. Thứ hai, cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cao, đồng bộ, thuận lợi, dễ tương tác và đảm bảo an ninh công nghệ. Bởi lẽ, các rủi ro khi tương tác trên môi trường mạng hiện nay khiến một bộ phận người dân có tâm lý e ngại và thậm chí "sợ". Bên cạnh đó, HĐND và UBND TP.HCM cần quan tâm và có nhiều hoạt động giám sát, quản lý, chỉ đạo quá trình thực hiện trong giai đoạn đầu, từng bước hoàn thiện mô hình.

PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ

Không để hồ sơ bị tắc nghẽn

TP.HCM đột phá với trung tâm hành chính công một cấp- Ảnh 4.

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công theo cơ chế một cửa, một liên thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN khi nộp và nhận kết quả hồ sơ. Với quy định pháp luật, hạ tầng kỹ thuật và năng lực công chức của TP.HCM hiện nay, cách tiếp cận này hoàn toàn khả thi. Việc triển khai thí điểm trung tâm là bước đi tất yếu, có sự kế thừa mô hình cũ, hướng đến chuyên nghiệp hóa bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả TTHC, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và nộp hồ sơ không phân biệt địa giới hành chính.

Để phục vụ người dân, DN tốt nhất, trung tâm cần quan tâm bố trí nhân sự đảm bảo năng lực, cơ sở hạ tầng số hóa; đồng thời đảm bảo vai trò điều phối, cơ chế phối hợp, mối quan hệ của trung tâm với các sở, ngành, cấp huyện và cấp xã trong việc tiếp nhận, số hóa, xử lý, trả kết quả hồ sơ cho người dân được thông suốt, không bị tắc nghẽn.

Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.