TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường

09/10/2024 06:16 GMT+7

Việc sáp nhập 80 phường ở TP.HCM dẫn đến dôi dư 988 cán bộ, công chức cũng như điều chỉnh giấy tờ của hơn 800.000 người dân và doanh nghiệp. TP.HCM sẽ giải quyết thế nào?

Cắt giảm gần 1.000 biên chế trong 5 năm

UBND TP.HCM vừa trình Chính phủ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Trong đề án mới nhất, TP.HCM vẫn giữ nguyên phương án sáp nhập 80 phường ở 10 quận (3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận) thành 38 phường.

Đối với cơ quan nhà nước, việc thay đổi địa giới hành chính cũng đồng nghĩa với việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách (gọi chung là cán bộ, công chức) tại các cơ quan hành chính, tổ chức đoàn thể và cơ quan ngành dọc. Theo định hướng của TP.HCM, số lượng phó bí thư, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của đảng bộ mới không vượt quá tổng số cấp trưởng, cấp phó hiện có của các tổ chức đảng cùng cấp trước khi sắp xếp trừ đi số lượng nghỉ hưu, nghỉ công tác khác.

TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường- Ảnh 1.

TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường thành 38 phường mới (Trong ảnh là vòng xoay Công trường Dân Chủ nằm giữa Q.3 và Q.10)

ẢNH: NHẬT THỊNH

Về đội ngũ cán bộ, công chức, theo thống kê của UBND TP.HCM, hiện 80 phường thuộc diện sáp nhập được giao 2.615 người, gồm 462 cán bộ, 1.143 công chức và 1.010 người hoạt động không chuyên trách. Trước mắt, các địa phương tạm dừng việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức cho đến khi giảm đủ số lượng theo quy định trong vòng 5 năm. TP.HCM bố trí số lượng tại 41 phường mới là 1.627 người, và có lộ trình giải quyết hợp lý số lượng dôi dư 988 người, gồm 234 cán bộ, 503 công chức và 251 người hoạt động không chuyên trách.

TP.HCM trình Chính phủ phương án sáp nhập 80 phường

Ban chỉ huy quân sự và công an các phường sẽ sáp nhập nguyên trạng theo hướng dẫn của Bộ Tư lệnh và Công an TP.HCM, đảm bảo số lượng và không tăng biên chế. Các đơn vị sự nghiệp công lập như trường mầm non, tiểu học, THCS và trạm y tế tại các phường sẽ duy trì ổn định như hiện nay để không ảnh hưởng đến việc học tập, khám chữa bệnh.

Dự kiến, TP.HCM cần 241 tỉ đồng để sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động dôi dư; chỉnh lý bản đồ địa giới hành chính, cải tạo nâng cấp trụ sở làm việc, lập điều chỉnh các loại quy hoạch, kinh phí xây dựng đề án...

Lắng nghe tâm tư cán bộ, công chức dôi dư

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, các quận, phường thuộc diện sắp xếp đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc sáp nhập.

TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường- Ảnh 2.

P.9 và P.10 (Q.3) được sáp nhập thành phường mới (Trong ảnh là khu vực ga Sài Gòn thuộc P.9)

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tại Q.10, có 6 phường thuộc diện sáp nhập, gồm nhập P.6 và P.7 thành P.6, nhập P.5 và P.8 thành P.8 và nhập P.10 và P.11 thành P.10. Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND Q.10, cho biết có gần 100 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư cần bố trí công tác sau khi sáp nhập. Trong đó, cần bố trí ngay 18 cán bộ (Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh), 9 công chức lãnh đạo (Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND phường).

Trong giai đoạn 2019 - 2021, Q.10 cũng từng sáp nhập P.2 và P.3 nên cũng có kinh nghiệm trong giải quyết, bố trí nhân sự. Do đó, ngay từ đầu năm 2024, quận đã chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức tại 14 phường, đồng thời tiếp tục rà soát cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn điều kiện, lập danh sách đưa vào kế hoạch tinh giản. "Quá trình thực hiện phải hết sức quan tâm lắng nghe nguyện vọng, chọn con người phù hợp công việc, địa bàn. Căn cứ vào công việc để tính toán, bố trí phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân và công việc của công chức, viên chức và người lao động", bà Hường chia sẻ.

Ở cấp phường, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch UBND P.1 (Q.6), cho biết dự kiến P.1, P.3 và P.4 sẽ sáp nhập thành một phường, lấy tên gọi là P.1. Dự báo khối lượng công việc cần phải thực hiện sau sáp nhập rất lớn, nên phường đã chủ động xây dựng phương án xử lý để sớm ổn định tổ chức và hoạt động khi thành lập phường mới. Song song với việc tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân thì phường thường xuyên nắm bắt tâm tư của từng cán bộ, công chức để mọi người hiểu được những chính sách, chế độ hỗ trợ của TP.HCM và yên tâm công tác.

Trong giai đoạn sắp xếp, phường sẽ ưu tiên hoàn tất công việc còn tồn đọng như kiểm kê tài sản công, đóng dấu, chỉnh lý, giao nộp tài liệu vào kho lưu trữ. Do số lượng cán bộ, công chức dôi dư khá nhiều, nên ông Thành đề xuất cần có quy chế phối hợp, phân công hợp lý để công việc không bị chồng chéo, mâu thuẫn. Đối với điều chỉnh giấy tờ của người dân, doanh nghiệp, ông cho rằng cần thành lập tổ công tác chuyên môn để giải quyết nhanh chóng, không gây nhiều ảnh hưởng cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Không điều chỉnh giấy tờ ồ ạt

Việc sáp nhập phường tác động trực tiếp đến người dân, nhất là việc thay đổi hàng loạt giấy tờ như thẻ căn cước, số nhà, giấy tờ nhà đất, tài khoản ngân hàng, thậm chí cả địa chỉ in trên danh thiếp, bao bì sản phẩm... Theo thống kê, ước tính có hơn 800.000 người dân phải điều chỉnh giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính và tên phường (3 phường Rạch Ông, Hưng Phú và Xóm Củi thuộc Q.8).

TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường- Ảnh 3.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND Q.10 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính đối với 6 phường trên địa bàn, quận sẽ chỉ đạo chuyển đổi các loại giấy tờ cá nhân của người dân và tổ chức do thay đổi địa giới hành chính, không gây phiền hà, không thu lệ phí.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết định hướng chung của TP.HCM là sẽ có hướng dẫn xử lý chuyển tiếp những trường hợp điều chỉnh hồ sơ, trong đó sẽ có loại cơ quan nhà nước tự điều chỉnh. Cụ thể, khi người dân có nhu cầu giao dịch, điều chỉnh hồ sơ giấy tờ thì cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ điều chỉnh luôn chứ không bắt người dân phải đi chuyển đổi. "TP.HCM không thu phí việc chuyển đổi giấy tờ, cố gắng ít bị xáo trộn nhất và ít tác động đến đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp", ông Hoan khẳng định.

Để tránh tình trạng người dân ồ ạt đi đổi giấy tờ, một số chuyên gia cho rằng TP.HCM cần có thông báo chính thức về thời gian, lộ trình chuyển đổi giấy tờ. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng không được đòi hỏi người dân phải cập nhật địa giới hành chính trên giấy, thay vào đó sử dụng thông tin trên Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

Liên quan sắp xếp lại trụ sở, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết sẽ giữ nguyên và giao cho phường quản lý trụ sở cũ sau khi sáp nhập để tránh lãng phí, xuống cấp. Với những khu phố thiếu trụ sở sinh hoạt thì các trụ sở cũ có thể tận dụng để phục vụ cho hoạt động của khu phố.

Phải tốt hơn, ổn hơn

"Nguyên tắc là sắp xếp xong phải tốt hơn, ổn hơn", ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, yêu cầu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn hồi tháng 8.2024. Theo ông Nguyễn Văn Nên, cần có chính sách cho cán bộ dôi dư, không để những người này mất quyền lợi dù có tiếp tục làm việc hay không.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng dự liệu việc sắp xếp số lượng lớn đơn vị hành chính sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý nhà nước, kinh tế xã hội địa phương và đời sống của người dân. "Cần lắng nghe và xử lý vướng mắc phát sinh, nhất là thủ tục hành chính, chuyển đổi các loại giấy tờ, không để phiền hà đến người dân", ông Nguyễn Văn Nên lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.