TP.HCM: Đưa người lang thang đến trung tâm hỗ trợ xã hội

25/08/2021 07:04 GMT+7

Nhiều người lang thang ở TP.HCM đã được thu nhận, xét nghiệm sàng lọc, khám sức khỏe , khai báo thông tin tại địa phương trước khi được chuyển đến trung tâm hỗ trợ xã hội.

Từ chiều tối 23.8, nhiều quận, huyện, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cấp tập triển khai rà soát người lang thang trên địa bàn để đưa về trung tâm hỗ trợ xã hội, nhằm hỗ trợ về nơi ăn, chốn ở trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tiếp nhận người sống lang thang 

Tại P.3, Q.Gò Vấp (TP.HCM), thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lực lượng chức năng tiến hành rà soát và đưa 6 người sống lang thang trên các tuyến đường, công viên về Trung tâm bảo trợ của P.3 để lập hồ sơ thông tin cá nhân trước khi chuyển đến Trung tâm hỗ trợ xã hội. Cả 6 người đều được mang đồ bảo hộ và xét nghiệm nhanh Covid-19.

Khai báo thông tin cá nhân tại trung tâm bảo trợ P.3, Q.3, TP.HCM.

ẢNH: KHÁNH TRẦN

Đến sáng 24.8, sau khi toàn bộ 6 người đều có kết quả âm tính với virus SAR-CoV-2, việc khai báo thông tin cá nhân của từng người được diễn ra nhanh chóng. Tất cả đều phải khai báo thông tin cá nhân như: tên, tuổi, nơi cư trú, lưu trú, vật dụng cá nhân… để cán bộ phường lập hồ sơ chi tiết.
“Đưa những người này về đây thì mình xét nghiệm Covid-19 trước để đảm bảo an toàn sức khỏe, cùng với đó là lập hồ sơ thông tin cá nhân của họ. Sau khi xác minh, Trung tâm hỗ trợ xã hội sẽ đưa ra hướng hỗ trợ hợp lý cho những người này”, một cán bộ P.3 cho biết. 
Sau khi hoàn tất xong hồ sơ thông tin cá nhân trong sáng 24.8, những người này được cán bộ và công an P.3 đưa tới Trung tâm hỗ trợ xã hội tại P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức).
Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 23.8, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết sở này đã chuẩn bị 2 cơ sở để tiếp nhận ban đầu những người lang thang, gồm: Cơ sở tư vấn và cai nghiện Bình Triệu (30 đường số 5, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) và Trung tâm hỗ trợ xã hội (463 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh).
Những người lang thang có giấy xét nghiệm dương tính Covid-19 và có sử dụng chất ma túy thì chuyển vào Trung tâm cách ly tập trung F0 ở địa chỉ 463 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh để được chăm sóc, điều trị.
Đối với người có nơi cư trú (có quê quán), cơ quan chức năng sẽ xác minh, đưa trở về nơi cư trú. Đối với người lang thang không có nơi cư trú ổn định thì đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng, chăm sóc. Nhiệm vụ này vẫn làm tiếp tục trong thời gian thành phố tiến hành giãn cách xã hội do dịch Covid-19.

"Có nhà nhưng chưa thể về"

Sống lang thang tại công viên Gia Định, tối 23.8, anh Đinh Quang Liêm (37 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng 5 người khác được lực lượng chức năng P.3, Q.Gò Vấp đưa lên xe chở về trung tâm bảo trợ của phường.
Anh Liêm cho biết anh từ TP.Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến TP.HCM làm thuê vài tháng trước, công việc được bao luôn ăn ở, nhưng được nửa tháng thì nghỉ vì công việc khắc nghiệt, ngoài sức chịu đựng của bản thân. Thôi việc, không có chỗ ở, anh Liêm đi khắp nơi xin việc. “Không có xe, tôi đi bộ khắp nơi xin việc, làm bảo vệ hay giữ xe gì cũng được, để kiếm tiền sống qua ngày nhưng không ai nhận vì dịch Covid-19”, anh Liêm cho biết. 
Có nhà ở TP.Vũng Tàu nhưng cũng không thể về vì đang cho người khác thuê với giá 1 triệu đồng/tháng, cộng với việc di chuyển giữa tỉnh, thành rất khó khăn vì dịch Covid-19, anh Liêm đành sống lang thang khắp nơi, nương tựa vào hè phố, và những suất ăn, phần quà từ những đội tình nguyện viên. "Cũng may sức khỏe còn tốt không đau ốm bệnh tật gì", anh Liêm nói.

Chuyến bay đưa 189 người khó khăn từ TP.HCM về Thanh Hóa tránh dịch Covid-19

Cùng hoàn cảnh, anh Bùi Phúc Lộc (28 tuổi, quê Thái Nguyên) vào TP.HCM từ năm 2014, làm thuê cũng vừa đủ sống. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại (từ ngày 27.4), thất nghiệp, anh đành trả phòng trọ, sống lang bạt nơi đường phố.
“Dịch bùng phát, tôi thất nghiệp, tính về nhà ở Thái Nguyên nhưng sẽ phải cách ly 21 ngày nên quyết định ở lại mong qua dịch tính tiếp, thu nhập không có nên tôi cố thắt chặt chi tiêu để cầm cự. Nhưng dịch kéo dài, tôi biết mình không cầm cự nổi nữa nên đành trả phòng trọ, lang thang cả tháng nay”, anh Lộc tâm sự.
Nói về quyết định trả phòng trọ, sống lang thang để dành số tiền còn lại lo bữa ăn, anh Lộc phân trần: "Mình sợ chết đói thôi, chứ không có chỗ ở thì vẫn sống được”. TP.HCM đang mùa mưa, mỗi lúc mưa to, những mái hiên trú tạm không đủ che, cả người anh Lộc ướt sũng, lạnh run, chân tay chi chít vết muỗi đốt... Giờ được đưa về trung tâm bảo trợ của phường, anh Lộc đã cảm thấy yên tâm hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.