Mới đây, UBND TP.HCM đã chính thức trình lên Thành ủy đề án đồ sộ này và nếu không có gì thay đổi, vào trung tuần tháng 9, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ họp và thông qua. Sau đó mới gửi lên Bộ VH-TT-DL thẩm định lần cuối và trình lên Chính phủ. Một điểm rất đáng lưu ý, trong đề án, TP.HCM nhấn mạnh sẽ kiến nghị Chính phủ đồng ý với phương án chọn TP đứng tên đăng cai - nghĩa là TP.HCM sẽ là ban tổ chức (BTC) chính. Điều này khác với đề án mà Tổng cục TDTT đang xây dựng ở chỗ, VN sẽ đứng tên đăng cai còn Hà Nội chỉ là địa điểm tổ chức.
Một lãnh đạo TP.HCM cho biết: “Chúng tôi vừa cử một đoàn khảo sát 26 người sang Malaysia và có cuộc làm việc với Ban điều hành SEA Games 29. Nước bạn cũng chọn phương án lấy Kuala Lumpur đứng tên đăng cai chứ không phải Malaysia. TP.HCM cũng thuộc VN nên để tên nào cũng như nhau. Nhưng đã vào đề án thì phải ghi rất rõ vì phương thức tổ chức cũng như nguồn tài chính là rất khác nhau. Nếu TP.HCM đứng tên thì sẽ rất chủ động trong việc kêu gọi đầu tư, không bị chồng chéo với các bộ, ngành. Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT sẽ chỉ lo phần chuyên môn. BTC sẽ gọn, nhẹ, làm việc hiệu quả, không phải xin ý kiến hay chờ đợi qua quá nhiều cửa”. Được biết, Đại hội thể thao bãi biển châu Á (ABG) 2016 cho đến nay vẫn chưa quyết toán xong vì Đà Nẵng không đứng tên đăng cai mà chỉ là địa phương tổ chức nên nhiều việc không thể tự quyết và đã xảy ra khá nhiều rắc rối, trục trặc.
Trở lại với nội dung đề án của TP.HCM, số tiền chi cho công tác tổ chức là 945 tỉ đồng, trong đó dự kiến 200 tỉ đồng lấy từ khoản thu từ các đoàn, bản quyền truyền hình, khai thác thương mại. Số tiền 745 tỉ còn lại từ ngân sách TP. Kinh phí xây dựng, sửa chữa toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 vào khoảng 9.000 tỉ đồng và hầu hết được xã hội hóa. Ví dụ như Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng 1.900 tỉ, cũng do các doanh nghiệp đầu tư khoảng 2/3. Sân đua xe đạp lòng chảo tại Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc do nhà đầu tư Hàn Quốc bỏ vốn. Công trình quan trọng nhất là sân vận động 50.000 chỗ ngồi trị giá 3.450 tỉ đồng và nhà đầu tư đã chuẩn bị đủ nguồn tiền này ngay từ bây giờ.
tin liên quan
TP.HCM và bài toán kinh tế cho SEA Games 31Nếu được Chính phủ thông qua, TP.HCM sẽ nỗ lực tối đa để có thể tổ chức SEA Games 31 năm 2021 thành công về mọi mặt, thúc đẩy sự phát triển không chỉ về thể thao mà còn cả kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.
Cuối tháng 9.2017, nhóm kiến trúc sư thiết kế sân vận động sẽ trình lên lãnh đạo TP bản quy hoạch toàn bộ khu Rạch Chiếc (theo tỷ lệ 1/2.000) để TP phê duyệt. Hiện tại, UBND Q.2 đang rất tích cực thực hiện việc giải tỏa mặt bằng tại khu Rạch Chiếc. Dự kiến đến cuối năm 2018, sẽ giải tỏa xong và đầu năm 2019 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng. Thời gian thi công dự định khoảng 2 năm rưỡi để kịp cho việc tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, điền kinh, bóng đá (dự kiến SEA Games 31 diễn ra từ 28.11 - 11.12.2021).
Một thông tin mới nữa là nhân vật chịu trách nhiệm chính trong thiết kế xây sân tại khu Rạch Chiếc là kiến trúc sư Việt kiều Pháp rất nổi tiếng: Hồ Thiệu Trị. Ông đã từng tham gia cải tạo, nâng cấp Nhà hát Lớn Hà Nội; tham gia thiết kế Khu liên hợp thể thao Olympic Bắc Kinh 2008, Sân vận động quốc gia Pháp Seine Saint Denis với sức chứa 80.000 chỗ ngồi; tham gia dự án đấu thầu Sân vận động Frankfurt (Đức) 55.000 chỗ ngồi cùng rất nhiều công trình khác ở khắp châu Âu.
Bình luận (0)