Biết sống chậm là như thế nào!
Như Thanh niên đã đưa tin, chiều tối 15.12, nhiều nơi tại Q.6, TP.HCM, như hẻm 106 Bình Tiên nối với hẻm 97 Phạm Phú Thứ (P.3); lô E và lô C đường Phạm Văn Chí (P.7)... đã hết cách ly sau khi hơn 2 tuần bị phong tỏa vì liên quan đến nhiều ca nhiễm Covid-19.
Sáng 16.12, chúng tôi đã có mặt tại hẻm 97 Phạm Phú Thứ để ghi nhận về cuộc sống sinh hoạt, công việc của nhiều người trẻ, hộ dân tại nơi đây.
Đi cùng chúng tôi, Nguyễn Thanh Tâm, 27 tuổi, Phó bí thư Đoàn Thanh niên P.3, Q.6, TP.HCM, cho hay vẫn còn nhớ như in cái cảm xúc đứng cầm micro làm MC và công bố con hẻm 79 này chính thức hết cách ly.
Tâm nói: “Lúc đó mọi người vỗ tay rồi vỡ òa trong cảm xúc, làm mình cũng vui theo. Những ngày cách ly, người dân rất khó khăn trong sinh hoạt lẫn tài chính. Mấy anh em đoàn viên, chi đoàn phụ nữ ở địa phương cũng hỗ trợ từng suất cơm, mua đồ ăn cho mọi người rất nhiều. Khi nghe tin hết cách ly, ai nấy cũng thở phào”.
|
|
Chị Yến đang làm nhân viên tại một công ty xuất khẩu lao động ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Khi bị cách ly đột ngột công việc của chị Yến cũng bị ảnh hưởng không ít.
Chị Yến chia sẻ: “Mọi công việc đều bị trì trệ, tuy có thể làm việc online nhưng một số việc cần phải lên công ty xử lý thì… bó tay. Đo đó mình đã bị giảm gần 50% lương. Nhưng cũng chính thời gian này, mình đã biết cụm từ sống chậm là như thế nào, mình có thời gian chăm sóc gia đình nhỏ, cũng như chuyện trò để hiểu chồng và con hơn”.
Sống tại lô E đường Phạm Văn Chí, chị L.T .A.Thơ, 25 tuổi, làm nhân viên văn phòng trên đường Lê Quang Sung Q.6, TP.HCM, cho biết không chỉ chán nản khi bị cách ly mà còn lo sợ không có cái tết vui vẻ cùng với bạn bè, gia đình. "Đến cuối năm ai cũng bận rộn công việc, cố gắng dành dụm tiền mua sắm đón năm mới nhưng đùng một cái mọi thứ bị trì hoãn nên rất lo", chị Thơ nói.
Chị Thơ bày tỏ: "Nghe tin khu mình sống hết bị cách ly cảm thấy rất hạnh phúc, cảm xúc đó khó tả và sẽ không bao giờ quên".
|
|
"Vui lắm vì được mua bán trở lại"
Vui vẻ leo lên chiếc xe máy đã 15 ngày liền chưa khởi động, Ng.T.Trung, 20 tuổi, tạm trú tại hẻm 97 Phạm Phú Thứ, chia sẻ cảm thấy rất phấn khởi khi được "tự do" sau chuỗi ngày dài bị cách ly.
"Những ngày đó em chỉ lẩn quẩn trong phòng trọ, học online, nghe nhạc xem phim. Em nhớ các bạn, nhớ tiếng xe cộ, nhớ những buổi tụ tập trà sữa... rồi ba mẹ em dưới quê cũng lo lắng điện hỏi thăm liên tục. Mãi đến 5 đến 6 ngày sau em bắt đầu thích nghi được cuộc sống này và tự trấn an mình rằng mọi chuyện sẽ bình yên thôi", Trung nói.
Trung hiện học tại một trường ĐH ở TP.HCM và phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Trung chia sẻ bản thân cảm thấy may mắn khi chị chủ ở quán trà sữa làm thêm không đuổi việc mà còn động viên tự chăm sóc sức khỏe và hứa sẽ cho làm lại khi hết bị cách ly.
"Khi nghe tin hết cách ly cảm xúc của mình vỡ òa, thấy mọi người ai cũng vui vẻ. Bây giờ cố gắng học tập để thi học kỳ và sắp xếp thời gian tiếp tục công việc làm thêm khi đã bỏ lỡ mất gần nữa tháng trời", Trung cho biết.
Trong khi đó, anh Lê Văn Mỹ, cho biết bản thân cùng với vợ đang rục rịch chuẩn bị chiếc xe hủ tiếu để ngày mai hoạt động lại.
Chỉ về đôi chân bị khớp của mình, anh Mỹ mừng rỡ nói: “Từ chiều 15.12, hai vợ chồng đã ra ngồi đợi, nhưng mãi mới đến 20 giờ thì dân quân mới vác loa xuống thông báo khu mình hết bị cách ly, lúc đó ai cũng mừng. Mình thì vui lắm vì được mua bán trở lại, rồi được đi khám bệnh chứ mấy hôm nay cái chân nhức nên phải chống gậy khi di chuyển”.
|
|
Rồi anh Mỹ tâm sự tiếp: “Hai tuần nay vợ chồng đâu mua bán được gì, nên không có thu nhập. Bây giờ chỉ mong bà chủ bớt chút ít tiền trọ để tiết kiệm một phần nào đó vì cũng sắp đến tết rồi”.
Bình luận (0)