Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí:

TP.HCM gỡ rối cho thuê, liên doanh tài sản công

13/06/2024 06:00 GMT+7

Bên cạnh việc ủy quyền cho quận, huyện phê duyệt đề án sử dụng tài sản công, TP.HCM sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 151/2017 của Chính phủ để thủ tục bớt rối rắm.

Sáng 12.6, HĐND TP.HCM giám sát việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ giai đoạn 2022 - 2025 đối với UBND TP.HCM.

Liên quan đến tình trạng lãng phí nhà đất công tại đơn vị sự nghiệp công lập mà Báo Thanh Niên phản ánh trong 2 số báo ngày 11 và 12.6, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM xác định trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ.

ĐB Lê Thị Ngọc Thanh, Phó bí thư Đảng ủy Sở GTVT, viện dẫn lại báo cáo của UBND TP.HCM rằng "trong thời gian chờ được phê duyệt đề án, các đơn vị không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết dẫn đến giảm nguồn thu của đơn vị sự nghiệp và tạo thêm áp lực cho ngân sách địa phương", đồng thời đặt câu hỏi có bao nhiêu hồ sơ đã duyệt, bao nhiêu hồ sơ đang chờ. Bên cạnh đó, cần làm rõ những hồ sơ cần chờ hướng dẫn, bao nhiêu hồ sơ có thể giải quyết ngay. Bà Thanh cho rằng cần phải phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan để đưa ra giải pháp và quyết tâm thực hiện.

Tính đến tháng 12.2023, TP.HCM còn 1.781 đơn vị, gồm 33 đơn vị cấp thành phố; 316 đơn vị thuộc khối sở, ngành; 1.432 đơn vị khối quận, huyện, TP.Thủ Đức. Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết trong các buổi giám sát tại sở ngành, quận huyện thì vấn đề chậm phê duyệt đề án sử dụng tài sản công đều được nêu ra. Trong buổi giám sát ngày 11.6, Sở Tài chính báo cáo nhận thẩm định 744 đề án, trong đó 5 đề án được phê duyệt. "Vậy 739 đề án còn lại bao giờ phê duyệt xong?", ông Nhân đặt câu hỏi.

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM nêu thực trạng từ năm 2018 đến nay, khi luật Quản lý sử dụng tài sản công và Nghị định 151/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thì các đơn vị sự nghiệp công lập đều "đứng hình" trong việc tổ chức kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu và làm giảm khả năng tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, TP.HCM phải thực hiện chỉ tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong vòng 5 năm.

Ông Nguyễn Trần Phú, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho hay trong 744 đề án nhận được, Sở Tài chính đã thẩm định và gửi tất cả về cho đơn vị lập đề án liên doanh, liên kết. Về trách nhiệm hướng dẫn, Sở Tài chính có 4 văn bản hướng dẫn triển khai. Đối với bãi giữ xe và căn tin, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị không cần phải lập đề án, mà chỉ cần tự vận hành hoặc đấu thầu vận hành. Đối với bãi xe phục vụ thêm bên ngoài, các đơn vị vẫn phải lập đề án trình UBND TP.HCM phê duyệt. Dù vậy, ông Phú cũng cho biết mẫu số 02 kèm theo Nghị định 151/2017 có nhiều tiêu chí, đơn vị thực hiện gặp khó khăn như xác định vị trí khu đất, cách tính giá đưa ra đấu giá, và chỉ đấu giá chứ không được chỉ định.

Nêu giải pháp, ông Phú thông tin đang tham mưu Chủ tịch UBND TP.HCM ủy quyền phê duyệt đề án xuống cho thủ trưởng các đơn vị, đồng thời giao nhiệm vụ thẩm định từ Sở Tài chính xuống Phòng Tài chính các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, Sở Tài chính cũng góp ý sửa đổi Nghị định 151 theo hướng tinh gọn hơn công thức tính đơn giá cho thuê và tiền thuế, dự kiến năm nay sẽ điều chỉnh.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, cần phân nhóm việc sử dụng tài sản công. Cụ thể, nếu đơn vị sử dụng tài sản công chỉ phục vụ cho hoạt động của đơn vị thì tự làm. Nếu tài sản vừa phục vụ hoạt động bên trong vừa phục vụ bên ngoài thì phải có đề án báo cáo cấp trên; riêng loại chỉ phục vụ bên ngoài thì phải được cấp trên phê duyệt. Song song đó, Sở Tài chính cần hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu, xác lập nguyên tắc cơ bản như đấu thầu, công khai, minh bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.