CỐNG HIẾN HẾT MÌNH BẰNG TRÁI TIM VÀ TRÍ TUỆ
Chiều 20.2, tại Kỳ họp thứ 21 HĐND TP.HCM khóa X (kỳ họp chuyên đề), các đại biểu đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Văn Được, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, làm Chủ tịch UBND TP.HCM với tỷ lệ 83/84 phiếu bầu. Như vậy, Thường trực UBND TP.HCM gồm ông Nguyễn Văn Được (Chủ tịch) và 5 phó chủ tịch: ông Dương Ngọc Hải (thường trực), ông Võ Văn Hoan, ông Nguyễn Văn Dũng, ông Bùi Xuân Cường và bà Trần Thị Diệu Thúy.

Lãnh đạo TP.HCM tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được
ẢNH: NHẬT THỊNH
Nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Văn Được khẳng định sẽ kế thừa kinh nghiệm, phát huy những thành quả của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm, đặc biệt là tinh thần đoàn kết mà ông Phan Văn Mãi, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, đã dày công xây dựng. Ông cũng cam kết trước HĐND TP.HCM, đồng bào cử tri, rằng sẽ cống hiến hết mình bằng cả trái tim và trí tuệ, luôn đặt lợi ích của nhân dân và sự phát triển của TP.HCM lên hàng đầu.
Trong chương trình hành động, ông Nguyễn Văn Được cho biết sẽ tập trung ngay vào các giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8,5% năm 2025, chuẩn bị cho mức trên 10% những năm tiếp theo. Về định hướng lâu dài, ông Được nhấn mạnh sẽ tập trung vào các mục tiêu căn cơ, phát triển TP.HCM trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, hạnh phúc, nghĩa tình, đổi mới sáng tạo, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế khu vực, khắc phục những khó khăn được nhận diện.
6 nhóm giải pháp trọng tâm được ưu tiên gồm: tinh gọn bộ máy hành chính; phát triển đô thị và hạ tầng liên kết vùng; chuyển đổi mô hình kinh tế gắn với KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng văn hóa - xã hội; huy động nguồn lực tài chính 5 triệu tỉ đồng giai đoạn 2026 - 2030; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, mở rộng không gian phát triển, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Kỳ họp HĐND TP.HCM cũng thông qua nghị quyết về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP.HCM gồm 16 cơ quan chuyên môn, 4 cơ quan hành chính khác và 32 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, TP.HCM thành lập 7 sở mới gồm: Sở Nội vụ (hợp nhất với Sở LĐ-TB-XH), Sở Tài chính (hợp nhất với Sở KH-ĐT), Sở Xây dựng (hợp nhất với Sở QH-KT), Sở Giao thông công chánh (nhận thêm nhiệm vụ), Sở KH-CN (hợp nhất với Sở TT-TT), Sở TN-MT (hợp nhất với Sở NN-PTNT), Sở Dân tộc - Tôn giáo (sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc). Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm lãnh đạo các sở mới thành lập, gồm 7 giám đốc và 35 phó giám đốc.
TP.HCM cũng thống nhất thông qua chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính; người phụ trách công tác Đảng tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và trường hợp không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ.
Như vậy, với chính sách theo Nghị định 178 năm 2024 của Chính phủ và hỗ trợ thêm của TP.HCM, mỗi trường hợp thôi việc do tinh gọn bộ máy có thể nhận tối đa gần 2,7 tỉ đồng, tùy theo tiền lương, thời gian công tác, chức vụ... Với hơn 7.000 người bị tác động, địa phương ước tính tổng kinh phí hỗ trợ gần 17.000 tỉ đồng.
Điều quan trọng nhất là có cơ hội cống hiến
Cùng ngày, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp bàn giao công việc Chủ tịch UBND TP.HCM giữa ông Phan Văn Mãi và ông Nguyễn Văn Được.
Chia sẻ về sắp xếp tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết có nhiều ý kiến cho rằng đây là một cuộc "cách mạng" trong công tác tổ chức, diễn ra rất nhanh, trong khi một số chính sách ban hành chưa thực sự đầy đủ, toàn diện. Việc sắp xếp lần này giúp tổ chức lại đội hình mới, trong đó có nhiều cán bộ đảm nhận vai trò mới, hay vẫn là cán bộ cũ nhưng nhiệm vụ mới. "Thậm chí có những người chấp nhận vị trí khiêm tốn hơn, chịu thiệt thòi vì lợi ích chung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là có cơ hội để cống hiến", ông Nên nhận định.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị tập trung vào chủ đề trọng tâm của năm 2025, hướng đến việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Đây là những vấn đề cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Với quyết tâm cao độ, ông Nên khẳng định TP.HCM sẽ không ngừng vươn lên để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu quan trọng đã đề ra.
Bình luận (0)