TP.HCM 'hối thúc' metro Bến Thành - Tham Lương 48.000 tỉ

19/07/2019 10:32 GMT+7

Với tiến độ gần như “giậm chân tại chỗ” suốt 10 năm qua, UBND TP.HCM liên tục thúc ép công tác triển khai dự án metro Bến Thành - Tham Lương (metro số 2) với số vốn đầu tư lên đến khoảng 48.000 tỉ đồng.

Ngày 19.7, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương (metro số 2).
Theo đó, ông Võ Văn Hoan chỉ đạo Sở KH-ĐT khẩn trương hướng dẫn UBND các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú (địa bàn metro số 2 đi qua) thực hiện báo cáo giám sát đánh giá điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án bồi thường.
Ông Võ Văn Hoan giao UBND các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú (địa bàn metro số 2 đi qua) chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trên địa bàn từng quận. Với các vấn đề vướng mắc phát sinh mà vượt thẩm quyền, báo cáo UBND thành phố giải quyết.
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương được xúc tiến từ khoảng năm 2010, với số vốn được duyệt ban đầu khoảng 1,3 tỉ USD, dự kiến 2020 hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay mới có Tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại nhà ga Tham Lương thuộc tuyến metro Bến Thành - Tham Lương được khởi công.
Do thời gian bị chậm trễ kéo dài, các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã xác định lại tổng mức đầu tư dự án tuyến metro Bến Thành - Tham Lương tăng lên gần 2,1 tỉ USD (khoảng 48.000 tỉ đồng).
UBND TP.HCM cũng từng có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án metro Bến Thành - Tham Lương dự kiến lên 2,173 tỉ USD (tăng thêm khoảng 800 triệu USD), đồng thời kéo dài thời gian hoàn thành dự án đến năm 2024.
Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư, theo UBND TP.HCM, là do thay đổi thiết kế cơ sở.
Theo tìm hiểu với PV Thanh Niên, với tiến độ như hiện nay, khả năng metro Bến Thành - Tham Lương cán đích vào năm 2024 là rất khó khả thi.

Vào đầu năm 2019, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo các sở ngành liên quan xử lý các cá nhân, tổ chức tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu CP0 (thiết kế thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật) thuộc dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Tham Lương.

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm các cá nhân, tập thể liên quan đến việc lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; thành lập tổ chuyên gia đấu thầu không đúng quy định pháp luật về đấu thầu. 

Quy hoạch sẵn có, triển khai ì ạch

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, áp lực giao thông ngày càng gia tăng mức độ căng thẳng. Hiện TP.HCM đã có hơn 8 triệu xe máy, ô tô; bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 30.000 phương tiện đăng ký mới. Trong khi đó, theo Sở GTVT TP.HCM, tỷ lệ mặt đường giao thông so với diện tích đô thị của TP.HCM hiện thấp nhất cả nước, chỉ đạt mật độ 1,98 km/km2 (theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt 10 - 13,3 km/km2).
Để giải bài toán giao thông, từ khoảng 20 năm trước, TP.HCM đã tính toán nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông để giải quyết nhu cầu đi lại, tháo những “nút thắt cổ chai” về giao thông vốn được xem là một trong những lực cản của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị - metro với 8 tuyến được quy hoạch được xem là “giấc mơ thoát kẹt xe” của người dân TP.HCM, hiện chỉ mới xây dựng tuyến metro số 1 (dự kiến 2020 hoàn thành); tuyến metro số 2 và metro số 5 cũng đang trong quá trình triển khai, và tất cả các dự án đều "đứng bánh", cũng chủ yếu do khó khăn về nguồn vốn.
Ước tính TP.HCM cần đến khoảng 40 tỉ USD để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong những năm tới. Trong khi đó, thực tế vốn dành cho hạ tầng, đầu tư phát triển của TP.HCM chỉ khoảng trên dưới 15.000 tỉ đồng mỗi năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.