Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng nền GD tiên tiến, hiện đại, hội nhập và là trung tâm GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển GD và chất lượng GD. Xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời. Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập quốc tế. GD TP.HCM hướng đến mục tiêu đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
TP.HCM hướng đến mục tiêu đạt trình độ giáo dục tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045 |
đào ngọc thạch |
Để thực hiện điều này, theo thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, TP nên xây dựng trường thực hành sư phạm cho các cấp học. Đây là ngôi trường kiểu mẫu hướng đến tương lai về mọi mặt cho GD của TP và của khu vực. Trường thực hành sư phạm sẽ là trung tâm trao đổi khoa học, GD, học thuật. Ở đó GD được cải tiến và tiến bộ liên tục. Nhà quản lý và giáo viên (GV) luôn được cập nhật tiến bộ GD thế giới cùng với sinh viên sư phạm, để mỗi năm điều chỉnh theo hướng phát triển chứ không chờ đến 10 năm hay 20 năm đổi mới và thay sách giáo khoa. Nơi này thực hiện vững chắc chương trình, mục tiêu GD, phải là đầu tàu.
Ngoài ra, nguyên lãnh đạo phòng GD tiểu học cũng đề xuất TP có thể học tập mô hình ở các nước như Nhật, Hàn Quốc, Pháp… để xây dựng một trung tâm mang ý nghĩa hy vọng. Người dân, sinh viên, học sinh (HS) đến xem để học tập và hy vọng, mơ ước cho TP.
Ông Điệp cũng đề xuất cần xây dựng trường chuyên đào tạo về ngoại ngữ dành cho HS từ lớp 1 đến lớp 12.
Thế nhưng ông Lê Ngọc Điệp cho rằng bên cạnh đó vẫn cần một môi trường hạnh phúc cho cả người học và người dạy. Ở đó đảm bảo GV và HS được nghỉ hè đúng thời gian quy định. GV học chuyên môn vào ngày nghỉ phải có bồi dưỡng. Nghiên cứu để có kế hoạch xây nhà hoặc chung cư GD bán trả góp giá rẻ cho GV có hoàn cảnh khó khăn; xây nhà dưỡng lão cho GV, nhân viên nghỉ hưu độc thân.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho rằng ngành GD cần đầu tư thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Thế mạnh của HS TP.HCM là năng lực ngoại ngữ và tin học. Đây cũng là động lực để GV nâng cao, trau dồi 2 kỹ năng này cùng với HS phối hợp ứng dụng trong quá trình dạy và học.
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cũng cho rằng muốn phát triển TP ngang tầm quốc tế thì phải số hóa, trong đó phải gắn liền với thông minh và văn minh. Trước tiên, theo ông Phú, trong 2 năm đầu tiên cần xây dựng cơ sở hạ tầng đủ mạnh. Song song với đó là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuẩn về chuyên môn và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ.
Ngoài ra, để có nền giáo dục tiên tiến cần một chính sách đãi ngộ sao cho nhà giáo chỉ còn toàn tâm toàn ý cho GD. Hiện nay TP có chính sách hỗ trợ thu nhập tăng thêm theo chính sách đặc thù của TP.HCM nhưng đó là khích lệ theo giai đoạn chứ chưa phải là sự an tâm lâu dài. Vì vậy cần chính sách lương, đãi ngộ và đầu tư trang thiết bị giảng dạy cho GV gắn vào tiêu chí hội nhập quốc tế.
Xem nhanh 12h ngày 30.1: “Đi lụi” trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây | Đèn đỏ “làm khó” người miền Tây
Bình luận (0)