TP.HCM huy động tổng lực cho chiến dịch tiêm vắc xin

18/06/2021 04:52 GMT+7

Sau khi tiếp nhận trên 800.000 liều vắc xin Covid-19 , TP.HCM và lãnh đạo Bộ Y tế trong tổ công tác đặc biệt, hỗ trợ thành phố trong phòng chống Covid-19, đã lên kế hoạch chi tiết để triển khai 'chiến dịch' tiêm chủng diện rộng.

Ngày 17.6, theo phân bổ của Chính phủ, có 836.000 liều vắc xin Covid-19 được vận chuyển vào TP.HCM. Trong đó, 786.000 liều dùng tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 và 50.000 cho lực lượng quân đội, công an trên địa bàn TP.HCM.

Bản tin Covid-19 ngày 17.6: Ngày kỷ lục với 515 ca, TP.HCM chuẩn bị “chiến dịch” vắc xin lớn chưa từng có

Sẵn sàng

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ trước đó, ngành y tế TP đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, dựa trên số lượng vắc xin được phân bổ từ 500.000 liều cho đến 10 triệu liều. Sẵn sàng huy động nhanh chóng các lực lượng để thực hiện chiến dịch tiêm chủng phù hợp.
Đối với kế hoạch tiêm chủng lần này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP.HCM dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng, như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; người trên 65 tuổi; công nhân khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX)... với khoảng 1 triệu người.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đi kiểm tra kho lưu trữ 836.000 liều vắc xin chiều 17.6

 
TP.HCM dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường xã... và các điểm tiêm lưu động, với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày. Tại mỗi điểm có thể tiêm cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày. Để đáp ứng 1.000 điểm tiêm, TP.HCM sẽ huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP.HCM; các bệnh viện đa khoa TP, quận, huyện; các đơn vị bệnh viện tư nhân; trung tâm y tế, trạm y tế...
Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, việc đảm bảo an toàn tiêm chủng, sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế phải được tuân thủ; tư vấn đầy đủ cho người được tiêm chủng; thu gom và xử lý rác thải y tế tại điểm tiêm chủng. Song song đó, tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, tại tất cả các điểm tiêm, TP.HCM chuẩn bị đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm với mỗi đội gồm: 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn, sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết. Đồng thời cũng tổ chức theo dõi sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần...

Hai ngày nữa TP.HCM bắt đầu tiêm lô hơn 800.000 liều vắc xin Covid-19

Ngày 17.6, Sở Y tế đã có công văn khẩn gửi các quận huyện và TP.Thủ Đức, Ban quản lý (BQL) KCX, KCN và khu công nghệ cao (KCNC) về việc lập danh sách tiêm vắc xin Covid-19 và gửi về Sở trước 17 giờ ngày 18.6. Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM tổng hợp và báo cáo Sở trước ngày 21.6. Dự kiến ngành y tế TP.HCM sẽ triển khai tiêm vào tuần tới.
Kho lưu trữ vắc xin tại TP.HCM ẢNH: ĐỘC LẬP

Kho lưu trữ vắc xin tại TP.HCM

ẢNH: ĐỘC LẬP

 

Cần thiết lập đường dây nóng, tổ chức diễn tập

Với kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 quy mô như trên, GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, đề nghị TP cần diễn tập nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng tại 1.000 điểm với 200.000 người được tiêm/ngày. TP.HCM vận dụng các nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu có sẵn vào kế hoạch tiêm chủng để thông tin về thời gian, địa điểm đến đối tượng được tiêm nhằm hạn chế tập trung đông người, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch.
Đối với các đối tượng trên 65 tuổi, cần xin ý kiến chỉ đạo để đảm bảo quy định về mặt pháp lý. Cân nhắc sử dụng điểm tiêm chủng lưu động tại các địa điểm như: trường học, nhà văn hóa... để tận dụng tối ưu các nguồn lực ứng trực, cấp cứu... đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các nhân lực trực tiếp giải đáp thông tin liên quan tiêm chủng cần có quy chuẩn, hướng dẫn chung đảm bảo truyền đạt thông tin chính xác, nhất quán. Cần có kế hoạch tập huấn cho các lực lượng tham gia tiêm chủng... Đồng thời cũng cần có kế hoạch chuẩn bị trang thiết bị, vật tư phục vụ các công tác tiêm chủng.
Bên cạnh đó, TP.HCM cần xây dựng hệ thống đường dây nóng cũng như số điện thoại tư vấn để người được tiêm chủng có thể liên hệ khi cần. Đảm bảo về khả năng tiếp nhận từ hàng chục, hàng trăm hoặc thậm chí có thể lên đến hàng ngàn cuộc gọi đồng thời để đáp ứng khi triển khai “chiến dịch” tiêm chủng lớn. Sẵn sàng công tác đáp ứng, cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm ở mức độ nặng. Thực hiện tốt việc truyền thông về công tác tiêm chủng.

Huy động thêm quân đội để tiêm nhanh nhất 800.000 liều vắc xin Covid-19 ở TP.HCM

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19, đề nghị TP.HCM nhanh chóng triển khai tiêm theo đúng đối tượng theo Nghị quyết 21 và đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng. Ban Chỉ đạo tiêm chủng quốc gia cũng chỉ đạo ngành y tế TP.HCM xây dựng kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc xin theo đúng tinh thần của “chiến dịch” tiêm chủng (trong thời gian 5 - 7 ngày). Kế hoạch tiêm chủng cần cụ thể về phân bổ số lượng, đối tượng tiêm chủng, lịch tiêm chủng, kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, kế hoạch ứng trực cấp cứu... Huy động lực lượng toàn ngành y tế từ T.Ư đến địa phương, kể cả bệnh viện quân đội, công an... để đảm bảo hoàn thành tốt “chiến dịch” tiêm chủng này.
Ngoài các đề xuất tương tự như Viện Pasteur, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị xây dựng lịch tiêm chủng cho từng nhóm đối tượng để hạn chế tập trung đông người; phòng chờ sau tiêm nên bố trí các ghế ngồi có lưng dựa, có trà đường...
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn giao Bệnh viện Chợ Rẫy làm đầu mối phụ trách làm việc với các đơn vị này để xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn lực hỗ trợ TP.HCM triển khai kế hoạch tiêm chủng. Giao Trường ĐH Y Dược TP.HCM đảm nhận công tác tổ chức tập huấn cho toàn bộ các lực lượng tham gia kế hoạch tiêm chủng, hoàn tất trong ngày 18.6. Đối với công tác chuẩn bị tổ chức các đội cấp cứu lưu động để cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm, dựa trên kế hoạch về địa điểm tiêm sẽ rà soát và bố trí lực lượng, nhân sự, xe cấp cứu cho phù hợp...

Cảnh nghèo lao đao thời Covid-19: Nước mắm kho quẹt sống qua ngày

Doanh nghiệp ngỏ ý hỗ trợ kinh phí

Ngày 17.6, Sở Y tế đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, BQL các KCX và KCN TP.HCM, BQL KCNC tổng hợp số lượng người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCX, KCN gửi về trước 17 giờ ngày 18.6. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 17.6, bà Lê Bích Loan, Phó trưởng BQL KCNC TP.HCM, cho biết đã thông báo đến các doanh nghiệp trong KCNC thống kê danh sách nhân viên, người lao động theo hướng dẫn của Sở Y tế; đẩy nhanh tiến độ lập danh sách, hoàn thành trong ngày hôm nay (18.6). Bà Loan cho biết BQL KCNC cũng đã gửi thư ngỏ đến các doanh nghiệp về việc ủng hộ kinh phí mua vắc xin. Hầu hết các doanh nghiệp bày tỏ đồng tình và hứa sẽ ủng hộ tùy theo tình hình sản xuất, kinh doanh. Trước khi có thông báo tiêm chủng cho người làm việc ở các KCX, KCNC tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã gửi văn bản đến BQL KCNC về việc xin được trả kinh phí tiêm vắc xin cho nhân viên, người lao động của mình.
S.Đông - P.T.Ngân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.