Ngày 26.5, tại Q.Tân Phú (TP.HCM) diễn ra lễ phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2024.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, nhấn mạnh, sốt xuất huyết là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đây là căn bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh và có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Theo TS-BS Vĩnh Châu, TP.HCM là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong cả nước. Năm 2022 xảy ra dịch sốt xuất huyết lớn tại khu vực phía nam, trong đó tại TP.HCM ghi nhận có tới 81.884 ca mắc, 29 ca tử vong.
Trong năm 2024, tính đến trung tuần tháng 5 vừa qua, toàn thành phố đã ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết. Ca bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở cả 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Trong đó, có những địa phương có số ca mắc cao và tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cũng cao như H.Bình Chánh, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân. Đặc biệt, khi mùa mưa bắt đầu, dự báo số mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 5 - 11. Vì vậy phòng chống loại bệnh nguy hiểm này, cần phải được cả cộng đồng chung tay thực hiện thường xuyên hằng ngày, hằng tuần.
"Tôi xin nhấn mạnh rằng nguy cơ làm lây lan bệnh sốt xuất huyết chính là muỗi vằn, một loài muỗi sống gần con người, sống ngay trong chính ngôi nhà của chúng ta. Do đó biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi sự tham gia của mỗi người dân chứ không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, của các cấp chính quyền", TS-BS Vĩnh Châu kêu gọi phòng chống loại bệnh nguy hiểm - sốt xuất huyết.
Để công tác phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, TS-BS Vĩnh Châu lưu ý các địa phương xử phạt nghiêm tổ chức, cá nhân còn để phát sinh lăng quăng sau nhiều lần giám sát, nhắc nhở. Cần xem đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm tại TP.HCM.
Bình luận (0)