TP.HCM khởi động công cuộc 'đổi màu' 100% xe buýt

06/09/2024 18:20 GMT+7

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các sở, ban, ngành liên quan, lấy ý kiến về kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố.

Đây là giai đoạn đầu tiên của Đề án "Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM".

TP.HCM khởi động công cuộc 'đổi màu' 100% xe buýt- Ảnh 1.

TP.HCM đặt mục tiêu sử dụng 100% xe buýt sử dụng năng lượng sạch từ 2030

Chuyển sang sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh

Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm của các nước, xu hướng và hiện trạng phương tiện VTHKCC bằng xe buýt, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương tiện GTCC bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP.HCM kể từ năm 2025 như sau:

- Giai đoạn 2025 - 2029: Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá, các phương tiện VTHKCC bằng xe buýt sử dụng điện, khí CNG, nhiên liệu diesel, đang hoạt động theo thời gian hợp đồng đã ký kết được tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn hợp đồng. Sau khi hết hạn hợp đồng, các loại xe sử dụng nhiên liệu khí CNG, diesel có thời gian sử dụng 15 năm sẽ phải thay thế, đầu tư mới, chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Phương tiện sử dụng khí CNG có thời gian sử dụng dưới 15 năm được tiếp tục tham gia VTHKCC với điều kiện sử dụng xe không quá 15 năm.

Trong khi đó, các loại xe sử dụng nhiên liệu diesel được tiếp tục tham gia hoạt động cho đến năm 2029 với điều kiện sử dụng xe không quá 15 năm. Tuy nhiên, từ năm 2025, 32 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu diesel (tương ứng 572 xe) sẽ tiếp tục đấu thầu với thời gian thực hiện gói thầu là 2 năm, đến năm 2027 chuyển sang sử dụng phương tiện xe buýt điện. Đến năm 2026: 15 tuyến buýt đặt hàng sử dụng nhiên liệu diesel và 6 tuyến hết thời gian thực hiện hợp đồng đấu thầu sẽ tiếp tục đấu thầu với thời gian thực hiện gói thầu là 2 năm, đến 2028 chuyển toàn bộ sang xe điện. Cứ như vậy, đến 2029 và 2030 sẽ có lần lượt 19 và 17 tuyến xe buýt hết thời gian thực hiện đấu thầu, chuyển sang sử dụng phương tiện xe buýt điện.

Đối với các tuyến xe buýt không trợ giá (bao gồm các tuyến nội đô và liên tỉnh), Sở GTVT xác định 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng Iượng xanh. Các tuyến xe buýt mở mới từ năm 2025 trở đi cũng 100% sử dụng xe điện, năng lượng xanh. TP.HCM đặt mục tiêu từ năm 2030, 100% phương tiện VTHKCC bằng xe buýt sẽ "đổi màu", sử dụng điện, năng lượng xanh.

Dự kiến tổng số lượng phương tiện chuyển đổi từ diesel sang điện giai đoạn 2025 - 2030 là 2.771 xe, trong đó có 1.663 phương tiện thay thế trên các tuyến xe buýt hiện hữu và 1.108 phương tiện đầu tư trên các các tuyến mở mới.

Tổng kinh phí thực hiện hơn 34.000 tỉ đồng

Với lộ trình và số lượng xe chuyển đổi như vậy, Sở GTVT dự kiến tổng số trạm sạc dự kiến đầu tư trên địa bàn thành phố là 25 vị trí (17 vị trí thuộc quản lý của Sở GTVT, 8 vị trí thuộc quản lý của Samco), với 269 trụ sạc loại 480kW, 4 thiết bị sạc/trụ. Tổng kinh phí đầu tư, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống trạm sạc điện giai đoạn 2025 - 2030 là 2.235,6 tỉ đồng.

Để đảm bảo hiệu quả của kế hoạch, Sở GTVT cùng các đơn vị tư vấn đã xây dựng hệ thống chính hỗ trợ. Đơn cử, đề xuất cho phép mức vốn vay tối đa là 85% tổng mức đầu tư của dựán, mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án; Đơn vị kinh doanh vận tải được hưởng lãi suất vay cố định 3% trong suốt thời gian vay, ngân sách thành phố hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức lãi suất để tính mức hỗ trợ và lãi suất vay cố định; Hỗ trợ 5% lãi suất đầu tư xây dựng trạm sạc điện phục vụ cho phương tiện GTCC trên địa bàn TP.HCM...

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề xuất sử dụng vốn ngân sách để xây dựng trạm sạc điện phục vụ VTHKCC bằng xe buýt tại các bến, bãi do Sở GTVT quản lý để chủ động, kịp thời thực hiện lộ trình chuyển đổi.

Tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện GTCC bằng xe buýt từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng Iượng điện và đầu tư xây dựng hạ tầng trạm sạc điện phục vụ cho phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025 - 2030 ước tính khoảng 34.003,9 tỉ đồng, trung bình 5.667 tỉ đồng/năm (chưa bao gồm 750 tỉ đồng hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện, trạm sạc được giải ngân giai đoạn 2031 - 2036).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.