Sáng 18.3, tại Bình Phước diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ (ĐNB) gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và Long An.
TP.HCM được thụ hưởng nhiều nhất các kết quả hợp tác từ liên kết vùng
Theo báo cáo, vùng ĐNB rộng 23.600 km2 với dân số hơn 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển; có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, TP.HCM là hạt nhân của vùng, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.
Theo đánh giá của bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với vùng ĐNB đã thực sự trở thành cầu nối giúp các tỉnh, thành phố liên kết, hợp tác với nhau, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương; mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM cho các địa phương trong vùng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn ý thức sự phát triển của TP.HCM không tách rời sự đóng góp rất lớn của vùng ĐNB cũng như các vùng khác. TP.HCM không thể phát triển nhanh và bền vững nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác của vùng ĐNB. Qua việc liên kết vùng, TP.HCM được tiếp nhận và thụ hưởng nhiều nhất các kết quả hợp tác, đã mở ra nhiều không gian phát triển mới, nảy sinh nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo".
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị, các tỉnh và doanh nghiệp trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP.HCM. Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, hiện tại, TP.HCM đã chủ động xây dựng bản thỏa thuận hợp tác với 7 lĩnh vực, nội dung hợp tác với vùng ĐNB như: công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; lĩnh vực môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng có những nội dung hợp tác song phương giữa TP.HCM với từng tỉnh trong vùng ĐNB.
"Ngay sau hội nghị này, thành phố chủ động có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan của các tỉnh trong vùng để triển khai sớm, cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan liên quan; phát huy hoạt động kết nối của các hiệp hội doanh nghiệp với nhau; xây dựng cơ chế định kỳ cập nhật thông tin, tiến độ các nội dung hợp tác. Thành phố cũng sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, phân kỳ từng năm trong giai đoạn 2023 - 2025 với các công việc cụ thể để cùng triển khai thực hiện hiệu quả", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Hợp tác kinh tế - xã hội chưa ngang tầm với tiềm năng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông đánh giá cao TP.HCM đã chủ động có những hoạt động liên kết phát triển, phát huy vai trò là đầu mối kinh tế, đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐNB và cả nước. So với các vùng kinh tế trọng điểm khác, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có những sáng kiến và hoạt động tích cực, năng động hơn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng nhận định, hiện các kết quả hợp tác kinh tế - xã hội chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương; chưa hình thành được sự kết nối về chiến lược, quy hoạch, kết cấu hạ tầng dẫn đến chưa hình thành một không gian kinh tế thống nhất. Hội đồng vùng chưa thể hiện hiệu quả được vai trò trong việc điều phối các hoạt động giữa các địa phương trong vùng; chưa có nguồn vốn bố trí riêng cho các lĩnh vực liên kết, việc huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động liên kết gặp nhiều khó khăn…
"Bộ KH-ĐT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng do một Phó thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch, điều phối vùng để liên kết trong 8 lĩnh vực quan trọng. Do vậy đề nghị TP.HCM và các địa phương trong vùng ĐNB phối hợp tích cực với Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành T.Ư triển khai hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐNB sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt", ông Trần Duy Đông đề nghị.
Từng địa phương phải chủ động vượt qua chính mình
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương, ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp trong việc xây dựng một cơ chế, chính sách cho hoạt động của vùng ĐNB.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, sau hội nghị này, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB cần tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động Nghị quyết số 24 ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 154 ngày 23.11.2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị. TP.HCM cùng Bộ KH-ĐT tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện nội dung, có những cơ chế cho vùng ĐNB; tăng kết nối dữ liệu số để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn; thực hiện phân cấp mạnh mẽ để địa phương để các tỉnh, thành phố có thể triển khai một cách chủ động, hiệu quả.
"Từng nơi, từng tỉnh, từng địa phương, nhất là TP.HCM phải chủ động vượt qua chính mình, có tinh thần trách nhiệm với nhau. Không câu nệ thời gian, không giới hạn không gian. Khi nói về liên kết vùng là trách nhiệm chung vì lợi ích, sự phát triển của vùng thì chúng ta hành động", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Tại hội nghị, TP.HCM đã tổ chức ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 giữa TP.HCM và các tỉnh vùng ĐNB. Trong đó tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các tuyến đường cao tốc; phát triển dịch vụ logistics gắn với hệ thống cảng biển; khai thác, phát triển các tuyến đường thủy nội địa; xây dựng hợp tác về công nghệ cao; các tuyến đường sắt đô thị…
Bình luận (0)