TP.HCM: Kiểm tra đột xuất Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế trái phép tại Q.Bình Thạnh

04/03/2024 13:54 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM sẽ làm rõ, xử phạt cơ sở về hành vi khám chữa bệnh không phép. Trong khi đó, Sở LĐ-TB-XH sẽ làm rõ và xử phạt về hành vi đào tạo thẩm mỹ không phép.

Ngày 4.1, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua lắng nghe mạng xã hội, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện website nanozelle.com và trang Facebook "Nanozelle Academy", "K-Viện đào tạo thẩm mỹ Hàn Quốc"... có đăng tải các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực khám chữa bệnh và các chương trình đào tạo tiêm filler, botox; đào tạo căng chỉ thẩm mỹ và đào tạo liệu trình đẹp da có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoạt động tại địa chỉ 145 Nguyễn Văn Đậu, P.5, Q.Bình Thạnh.

Do đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Phòng Y tế Q.Bình Thạnh và UBND P.5, Q.Bình Thạnh kiểm tra đột xuất địa chỉ trên, là nơi đặt Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle.

TP.HCM: Kiểm tra đột xuất Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế trái phép tại Q.Bình Thạnh- Ảnh 1.

Dụng cụ, trang thiết bị y tế tại tầng 3 của Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle vào thời điểm kiểm tra

SỞ Y TẾ TP.HCM

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở này đã cung cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh Công ty TNHH Viện đào tạo thẩm mỹ quốc tế Nanozelle (đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 27.12.2023) do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp. Cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy phép nào về hành nghề thẩm mỹ và đào tạo thẩm mỹ.

Khi kiểm tra thực tế tại cơ sở, đoàn ghi nhận có các phiếu thông tin khách hàng liên quan đến dịch vụ khám chữa bệnh, các chứng cứ hành nghề chữa bệnh. Như tại tầng trệt là khu vực tiếp đón khách, tầng 2 bố trí các phòng chăm sóc da, tầng 3 bố trí 1 phòng có trang bị giường, đèn phẫu thuật và các dụng cụ, trang thiết bị y tế sử dụng trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Tại tầng 4 là nơi đào tạo thực hiện các kỹ thuật tiêm filler, botox… Tầng 5 dùng làm phòng ở cho học viên.

Đoàn phát hiện có 3 học viên (lưu trú tại tầng 5) đang chờ để được đào tạo và có các sản phẩm dùng cho các kỹ thuật tiêm filler, botox được trang bị sẵn. Cơ sở chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc của các sản phẩm trên.

Theo tường trình của ông Trịnh Ngọc Sử, tự xưng là quản lý cơ sở, các phiếu thông tin khách hàng trong khám chữa bệnh như tiêm thâm quầng mắt, tiêm meso, tiêm botox, các dịch vụ tiêm da... do bác sĩ A.L (người nước ngoài) và một số bác sĩ khác thực hiện. Tuy nhiên, ông Sử chưa cung cấp được thông tin và bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ hợp tác này.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu cơ sở ngưng ngay các hoạt động khám chữa bệnh và đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Đoàn kiểm tra tạm giữ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại cơ sở để tiến hành xử lý theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xem xét xử lý nghiêm việc hành nghề không giấy phép, không chứng minh được nhân lực hành nghề tại cơ sở, đồng thời phối hợp Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xem xét xử lý nghiêm theo quy định đối với việc đào tạo dịch vụ thẩm mỹ trái phép.

Liên quan đến tình trạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo thẩm mỹ trái phép ngày càng diễn biến phức tạp, ngày 30.1, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM và Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã đồng chủ trì cuộc họp.

Theo đó, 2 sở sẽ phối hợp trong công tác kiểm tra hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với khối ngành chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp thuộc trách nhiệm, nhiệm vụ của 2 sở và phối hợp thẩm định các điều kiện (cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ nhà giáo, chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo) của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp khi đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.